AI và trợ lý ảo: Cuộc cách mạng số hóa ngành tòa án

Phần mềm 'Trợ lý ảo' với hàng loạt tính năng thông minh đã trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn.

Bước tiến ấn tượng

Chỉ trong hơn nửa năm triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công tác chuyển đổi số của ngành tòa án ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Tại Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 của Đảng bộ TAND tối cao vừa được tổ chức, ông Ngô Hoài Thương - Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin (TAND tối cao) cho biết phần mềm “Trợ lý ảo” với hàng loạt tính năng thông minh, trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn, nâng cao hiệu suất làm việc - là một trong những điểm nổi bật nhất của hoạt động công nghệ thông tin ngành Tòa án.

Ngoài ra, chiến dịch “90 ngày đêm số hóa 2,5 triệu bản án, quyết định hôn nhân” đã được triển khai thần tốc, góp phần quan trọng vào việc làm sạch dữ liệu hộ tịch quốc gia.

Những thành quả này không chỉ nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ ngành tòa án mà còn đóng góp thiết thực vào tiến trình chuyển đổi số chung của đất nước.

Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay - Ảnh: Internet

Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay - Ảnh: Internet

Dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình chuyển đổi số trong ngành tòa án có không ít thách thức.

Ông Thương cho rằng các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện hành chưa đồng bộ do triển khai qua nhiều giai đoạn khác nhau; hạ tầng kỹ thuật số tại nhiều tòa án địa phương còn lạc hậu, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn thông tin.

Nguồn nhân lực CNTT còn thiếu hụt, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của quá trình chuyển đổi số. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai chuyển đổi số chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả chung của toàn ngành.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực CNTT

Để khắc phục triệt để những hạn chế này và quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng tòa án điện tử vào năm 2027, Chi bộ Cục CNTT đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược. Trong đó, việc nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu trong chuyển đổi số là yếu tố then chốt.

Theo Phó cục trưởng, ngành tòa án cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt tại các tòa án địa phương, cùng với việc đào tạo toàn diện kỹ năng số cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức.

Ngoài ra, việc hoàn thiện đồng bộ hạ tầng pháp lý phục vụ tòa án điện tử, đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng trên môi trường số, là cực kỳ cần thiết.

Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ; đảm bảo an toàn thông tin và quy hoạch; phát triển kho dữ liệu số ngành tòa án để phục vụ chỉ đạo điều hành, triển khai xét xử thông minh và huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) là ưu tiên hàng đầu.

Khai thác sức mạnh AI và kết nối dữ liệu

Theo ông Thương, việc ứng dụng AI xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số sẽ từng bước tự động hóa các hoạt động điều hành, giám sát, hỗ trợ thẩm phán và bộ máy, giúp ra quyết định nhanh chóng, chính xác, tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc tăng cường công khai, minh bạch hoạt động tòa án trên nền tảng số, hướng tới xây dựng tòa án hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính, phụng sự nhân dân không chỉ góp phần vào tiến trình xây dựng môi trường pháp lý ổn định, minh bạch mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đặc biệt, việc tập trung kết nối, liên thông dữ liệu với các nền tảng số và cơ sở dữ liệu quốc gia là cần thiết để đảm bảo dòng chảy dữ liệu thống nhất, phục vụ triển khai tòa án điện tử; góp phần kiến tạo nền tư pháp số và chính phủ số.

Phó cục trưởng cho rằng ngành cũng cần mạnh dạn ban hành nghị quyết cho phép chủ động thử nghiệm các công nghệ mới, như nền tảng số, AI, dữ liệu lớn, tự động hóa… để kịp thời đánh giá hiệu quả, hoàn thiện mô hình tòa án điện tử, tòa án số và nhân rộng trong toàn ngành, đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra linh hoạt, thực chất, phù hợp với yêu cầu cải cách tòa án và bối cảnh phát triển công nghệ.

Theo ông Thương, Nghị quyết 57 là kim chỉ nam cho tiến trình cải cách tòa án trong thời đại số; tạo động lực đổi mới toàn diện phương thức quản trị, nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường sự công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành tòa án hiện đại, chuyên nghiệp.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ai-va-tro-ly-ao-cuoc-cach-mang-so-hoa-nganh-toa-an-235020.html
Zalo