Ai thiệt hại nặng nhất trong ngày 'đen tối' của lịch sử chứng khoán?
Trong ngày thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất từ trước đến nay, tài sản của các tỷ phú Việt Nam đồng loạt giảm mạnh. Không ít doanh nhân chịu thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ.

Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giảm hơn 3.100 tỷ đồng sau phiên 3/4. Ảnh: Việt Hùng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đóng cửa phiên giao dịch “đáng quên” nhất lịch sử hoạt động. Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ số VN-Index nhanh chóng phản ứng và lao dốc “không phanh”.
Kết phiên, VN-Index giảm 87,99 điểm (-6,68 điểm) xuống mốc 1.229,84 điểm, thấp nhất kể từ đầu năm. Vốn hóa của VN-Index qua đó cũng “bốc hơi” 370.000 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD) chỉ trong một phiên.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng rung lắc dữ dội. HNX-Index giảm 17,18 điểm (-7,22%) xuống 220,95 điểm, còn UPCoM-Index giảm 8,06 điểm (-8,17%) xuống 90,58 điểm.
Gần 1.000 mã chứng khoán giảm giá
Thanh khoản thị trường vọt lên 44.000 tỷ đồng, phản ánh tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trước diễn biến tiêu cực trên thị trường.
Sắc xanh gần như biến mất trên bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 931 mã giảm (gồm 436 mã giảm sàn), 591 mã giữ tham chiếu, và chỉ 87 mã tăng (gồm 16 mã tăng trần).

VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử hoạt động. Ảnh: TradingView.
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 30 mã giảm (gồm 28 mã giảm sàn). Chỉ số đại diện rổ vì thế giảm hơn 93 điểm và rơi về mốc 1.283 điểm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm sàn, ngay cả những mã dẫn đầu về vốn hóa như VCB, BID, VIC, CTG, VHM, TCB, FPT hay HPG.
Khối ngoại tham gia bán ròng với quy mô 2.700 tỷ đồng. Trong đó, có 7 mã bị bán ròng trên trăm tỷ là TPB (-354 tỷ đồng), FPT (-339 tỷ đồng), SSI (-244 tỷ đồng), VNM (-311 tỷ đồng), VCB (-267 tỷ đồng), MWG (-197 tỷ đồng), STB (-248 tỷ đồng).
Tài sản các tỷ phú "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng
Không chỉ thổi bay hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn hóa trên thị trường, tài sản của các “ông chủ” doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn như VIC của Vingroup, sau 9 phiên không giảm liên tiếp, cổ phiếu này giảm hết biên độ về mốc 56.200 đồng/đơn vị, thu hẹp 16.000 tỷ đồng vốn hóa xuống gần 215.000 tỷ đồng.
Nếu tính riêng 691 triệu cổ phiếu VIC sở hữu trực tiếp (tương đương 18,08% vốn Vingroup), tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã đánh rơi gần 3.000 tỷ đồng xuống 36.000 tỷ đồng.
Khối tài sản dựa trên cổ phiếu VIC của Phó chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng - cũng giảm hơn 700 tỷ đồng hôm nay xuống còn 8.800 tỷ đồng. Hiện bà Hương đang nắm khoảng 170,6 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 4,46% vốn tập đoàn.
Đối với Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, việc cổ phiếu HPG giảm sàn đã khiến tài sản của ông thiệt hại 3.100 tỷ đồng xuống còn 38.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long, cũng mất 836 tỷ đồng. Tổng giá trị lượng cổ phiếu mà bà nắm giữ thu hẹp còn 10.300 tỷ đồng.
Tài sản của ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch Trần Đình Long, cũng giảm gần 300 tỷ đồng do nắm giữ 147 triệu cổ phiếu HPG.
Tương tự, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cùng gia đình thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng xuống 44.400 tỷ đồng.
Hiện ông Hùng Anh và vợ (bà Nguyễn Thị Thanh Thủy) nắm giữ trực tiếp gần 427 triệu cổ phiếu TCB (hơn 6% vốn ngân hàng). Trong khi đó, 3 người con là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh, Hồ Minh Anh nắm giữ khoảng 833,3 triệu cổ phiếu (11,8% vốn). Như vậy, Chủ tịch Techcombank cùng gia đình đang nắm giữ khoảng 1,26 tỷ cổ phiếu TCB.
Tình cảnh của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng không khá hơn khi thị giá cổ phiếu đại diện tập đoàn công nghệ giảm kịch biên độ xuống 113.500 đồng/đơn vị. Tổng cộng, tài sản của ông Bình thiệt hại gần 900 tỷ đồng, giảm còn 11.500 tỷ đồng.