AI mới là tác nhân chính của biến đổi khí hậu?

A.I

(KTSG) – Các bài báo về trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt về ChatGPT ít khi nhắc đến một yếu tố rất quan trọng: các hệ thống này tiêu thụ một lượng điện khổng lồ nhưng không ai đối chọi chúng với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Bức tranh này trái ngược hoàn toàn với số phận nông dân các nước châu Âu đang bất mãn vì chính sách ép họ giảm khí thải để bảo vệ Trái đất!

Theo tờ New Yorker, mỗi ngày ChatGPT tiêu thụ đến nửa triệu kilowatt giờ điện khi trả lời chừng 200 triệu câu lục vấn của người dùng khắp thế giới. So với mức tiêu thụ điện bình quân của mỗi hộ gia đình Mỹ, chừng 29 kilowatt giờ mỗi ngày, ChatGPT xài một lượng điện bằng 17.000 hộ gia đình Mỹ. Không chỉ một mình OpenAI triển khai ChatGPT, rất nhiều công ty công nghệ lần lượt cho ra đời nhiều hệ thống AI tạo sinh cũng nuốt một lượng điện nhiều như thế.

Chẳng hạn, theo tính toán của Alex de Vries, một chuyên gia dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hà Lan, nếu Google tích hợp AI vào công nghệ tìm kiếm thông tin của họ, mỗi năm sẽ tiêu tốn 29 tỉ kilowatt giờ điện. Lượng điện này còn nhiều hơn mức tiêu thụ điện của các nước như Kenya, Guatemala hay Croatia. Tính toán của de Vries trong một bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Năng lượng bền vững Joule cho thấy đến năm 2027, toàn ngành AI sẽ tiêu thụ chừng 85-134 terawatt giờ điện (mỗi terawatt bằng một tỉ kilowatt).

Các doanh nghiệp công nghệ cũng tiêu thụ nhiều điện nhưng chưa thấm vào đâu so với ngành AI. Hiện nay Samsung sử dụng chừng 23 terawatt giờ điện, trong khi Google tiêu thụ chưa đến 12 terawatt và Microsoft hơn 10 terawatt giờ điện để chạy toàn bộ các trung tâm dữ liệu, máy chủ, mạng kết nối… The Verge cho biết AI tiêu thụ nhiều điện nhất trong giai đoạn huấn luyện ban đầu cho các mô hình. Huấn luyện mô hình GPT 3.0 tiêu tốn chừng 1.300 megawatt giờ điện, bằng lượng điện tiêu thụ nguyên một năm của 130 hộ gia đình Mỹ. Để dễ hình dung, tờ Verge so sánh xem mỗi giờ Netflix tốn chừng 0,8 kilowatt giờ điện; điều đó có nghĩa phải xem 1.625.000 giờ Netflix mới xài điện bằng điện huấn luyện GPT 3.0.

Cách đây vài năm, các công ty như OpenAI rất minh bạch về quá trình huấn luyện các mô hình AI của họ, như phần cứng, mức tiêu thụ điện, thời gian… Nhưng gần đây, các thông tin này được giữ kín, có thể do cạnh tranh giữa các đối thủ nhưng cũng có thể nhằm ngăn ngừa các lời phê phán tiêu thụ điện quá mức. Đã có những so sánh ngành AI với ngành tiền mã hóa trong khía cạnh tiêu thụ năng lượng. Hiện nay việc khai thác bitcoin đang sử dụng đến 145 tỉ kilowatt giờ điện mỗi năm, nhiều hơn lượng điện cả nước Hà Lan tiêu thụ trong một năm. Sản xuất lượng điện như thế sẽ phát thải 81 triệu tấn CO2, còn hơn lượng khí thải phát ra hàng năm của Morocco.

Điều nghịch lý là có nhiều nước không chú ý đến các công nghệ mới tiêu thụ nhiều điện, phát ra nhiều khí thải như AI hay tiền mã hóa; họ lại quá săm soi ngành nông nghiệp đã có từ ngàn đời với những quy định mới gây khó khăn cho nông dân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Trong nhiều lý do đẩy nông dân các nước châu Âu xuống đường biểu tình kéo dài khắp nơi, có cả các quy định “nông nghiệp xanh” của EU nhằm giải quyết vấn nạn nông nghiệp là ngành phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ tư (11%), sau sản xuất, hộ gia đình, điện-khí. Nông dân cho rằng các quy định này quá khắc nghiệt, không công bằng, gây khó khăn cho họ khi phải cạnh tranh với nông dân các nước khác, không chịu các ràng buộc tương tự.

Các quy định này, một số đã được bãi bỏ trước sự phẫn nộ của nông dân, có thể kể đến chuyện bắt nông dân phải để ít nhất 4% đất cho nghỉ ngơi, không canh tác, cắt giảm việc sử dụng phân bón đến 20%, giảm 50% lượng thuốc trừ sâu trước năm 2030, buộc luân canh nhiều loại hoa màu… Trong mục tiêu chung giảm 90% lượng khí thải đến năm 2040, trước đây EU yêu cầu ngành nông nghiệp phải cắt giảm khí thải ngoài CO2 đến 30% trước năm 2040 nhưng sau đó đã bỏ yêu cầu này.

Để giảm nhẹ tác động lên biến đổi khí hậu, các nhà làm chính sách phải cấm ngay việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khai thác bitcoin, xem xét lại mức độ tiêu thụ điện của các ngành mới phát triển như công nghệ AI, yêu cầu kế hoạch phát triển ngành này đi kèm với việc khai thác các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường thay vì nhắm đến những đối tượng dễ bị tổn thương như nông dân.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ai-moi-la-tac-nhan-chinh-cua-bien-doi-khi-hau/
Zalo