AI mang đến cuộc cách mạng cho ngành kiểm toán

Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý rủi ro, PwC Việt Nam - ông Xavier Potier - nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang đến một cuộc cách mạng cho ngành kiểm toán. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả kiểm toán. Tuy nhiên, sự giám sát của con người mới là yếu tố then chốt để duy trì tính chính xác và độ tin cậy trong các kết luận kiểm toán cuối cùng.

Thưa ông! sự bùng nổ của AI đã tác động không nhỏ tới mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có nghề kiểm toán. Theo ông, AI đã tạo ra thời cơ và thách thức ra sao đối với lĩnh vực kiểm toán hiện nay?

Ông Xavier Potier - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý rủi ro, PwC Việt Nam

Ông Xavier Potier - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý rủi ro, PwC Việt Nam

AI đang mang đến một cuộc cách mạng cho ngành kiểm toán nhờ khả năng tự động hóa các tác vụ phức tạp, nâng cao hiệu quả và hỗ trợ phân tích chiến lược. Khảo sát Tuân thủ toàn cầu 2025 do PwC thực hiện gần đây đã nhấn mạnh vai trò nổi bật của AI trong việc điều chỉnh các hoạt động tuân thủ thích ứng với hệ thống pháp lý mới. Tuy nhiên, những thách thức (bao gồm thiên kiến và sai sót) đòi hỏi các quy trình kiểm soát chặt chẽ và khung quản trị vững chắc để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy.

Ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, AI cần được xem xét như một công cụ hỗ trợ đắc lực, qua đó bảo đảm rằng KTV vẫn duy trì quyền đưa ra quyết định cuối cùng, đồng thời tận dụng tối đa khả năng phân tích dữ liệu của AI.

Ông Xavier Potier

Tại Việt Nam, việc ứng dụng AI cũng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu hiện hành, bao gồm Luật An ninh mạng và Nghị định về Bảo vệ Dữ liệu cá nhân. Điều này nhằm đảm bảo AI không chỉ nâng cao hiệu quả của các hoạt động kiểm toán mà còn bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kinh nghiệm quốc tế nói chung và PwC nói riêng trong việc ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán?

Hoạt động ứng dụng AI trên toàn cầu của PwC trong lĩnh vực kiểm toán bao gồm các công cụ độc quyền như ChatPwC - một ứng dụng mang đến kết nối duy nhất, bảo mật và tích hợp. Công cụ này đang nâng cao chất lượng kiểm toán bằng cách hỗ trợ nhập dữ liệu, đánh giá rủi ro và kiểm tra chất lượng.

Nền tảng kiểm toán sử dụng AI của chúng tôi được hỗ trợ bởi các hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, đang đổi mới quy trình kiểm toán bằng cách tập trung vào các tác vụ mang lại giá trị lớn và giảm thiểu sai sót, đồng thời tuân thủ các quy định về chủ quyền, pháp lý và bảo mật.

PwC cũng đang đưa AI vào hoạt động thông qua các liên minh chiến lược và các khoản đầu tư vào công nghệ sử dụng AI (AI-first), hướng đến việc định hình lại trải nghiệm kiểm toán bằng cách tích hợp AI vào các năng lực và công cụ có sẵn của chúng tôi. Cách tiếp cận này ưu tiên chất lượng và việc ứng dụng AI có trách nhiệm, thể hiện cam kết của PwC trong việc mang lại những kết quả bền vững cho khách hàng và các bên liên quan.

Các công nghệ như trợ lý AI (AI Agent) cho phép phát hiện các bất thường nhanh hơn, nhận diện rủi ro sớm hơn và so sánh chi tiết hơn, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán và xây dựng niềm tin với các bên liên quan.

Qua chia sẻ của ông, có thể thấy, AI là công cụ giúp kiểm toán viên (KTV) phát hiện sai sót một cách nhanh chóng, nâng cao chất lượng kiểm toán. Với vai trò như vậy, liệu rằng AI có thể thay thế hoàn toàn công việc của KTV, thưa ông?

PwC nhận định, AI là một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả của quy trình kiểm toán, từ đó tạo điều kiện cho KTV tập trung vào phân tích chiến lược. Các công nghệ AI có thể cung cấp sự hỗ trợ đáng kể, điển hình là khả năng phát hiện rủi ro nhanh chóng…

Tuy nhiên, sự giám sát của con người trong các kết luận kiểm toán cuối cùng vẫn là yếu tố then chốt để duy trì tính chính xác và độ tin cậy. PwC luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm và đạo đức, nhằm tăng cường thái độ hoài nghi nghề nghiệp và phán đoán chuyên môn của các KTV.

Vậy theo ông, KTV cần trang bị kiến thức, kỹ năng như thế nào để ứng dụng AI một cách hiệu quả vào hoạt động kiểm toán?

Tôi tin rằng các KTV cần phát triển khả năng đọc hiểu dữ liệu (data literacy) và làm quen với các công cụ AI để tận dụng AI một cách hiệu quả. Ví dụ, KTV nên tập trung vào việc hiểu các thuật toán và công cụ AI, bao gồm kỹ năng viết mệnh đề tương tác (prompt). Việc triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao kiến thức liên tục, chú trọng vào thích ứng với công nghệ và phát triển nhân tài là vô cùng cần thiết. Tại Việt Nam, các sáng kiến đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu kiểm toán đặc thù.

Trong nội bộ PwC Việt Nam, chúng tôi cung cấp cho đội ngũ chuyên gia các chương trình đào tạo chuyên biệt về các trợ lý AI nhằm đảm bảo việc sử dụng một cách có trách nhiệm. Đối với thị trường, thông qua PwC's Academy - nhánh đào tạo chuyên biệt của PwC, chúng tôi mang đến các khóa đào tạo thực hành cho khách hàng, giúp các chuyên gia luôn cập nhật những kiến thức trong ngành.

Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) đang thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán. Ông có lời khuyên gì để KTNN thực hiện tốt việc thí điểm này, hướng tới ứng dụng AI rộng rãi vào hoạt động kiểm toán trong tương lai?

Tôi tin rằng, việc áp dụng AI theo lộ trình từng bước, khởi đầu bằng các dự án thử nghiệm để tìm ra các phương pháp tốt nhất là hướng đi đúng đắn. Việc hợp tác với các công ty kiểm toán quốc tế và công ty công nghệ sẽ tạo điều kiện để chúng ta cùng nhau hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn và công nghệ tiên tiến, giúp KTNN tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu từ thế giới, đồng thời vẫn đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cụ thể của Việt Nam.

Như đã đề cập, các chương trình đào tạo và phát triển là yếu tố không thể thiếu để xây dựng đội ngũ nội bộ có đủ năng lực thực hiện kiểm toán dựa trên AI. Đồng thời, KTNN cần cập nhật các xu hướng phát triển nhân lực và ứng dụng công nghệ mới trên toàn cầu.

Với PwC, chúng tôi luôn nỗ lực thiết kế những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán và mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng, từ đó có thể tạo ra một hình mẫu cho Việt Nam trong việc ứng dụng AI vào kiểm toán. Mục tiêu cuối cùng là thay đổi nền tảng cách thức thực hiện kiểm toán, mang lại giá trị và những hiểu biết sâu sắc hơn cho các doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ai-mang-den-cuoc-cach-mang-cho-nganh-kiem-toan-40044.html
Zalo