Ai làm cho khói lên trời

Thẩm gối đầu trên đá. Sỏi mềm đệm tấm lưng cô. Lá cây gối đầu tỏa ra hương thơm của sự sống. Mùi lá non hăng hắc và âu sầu. Thẩm hé mắt ra, hình như thấy Nhân. Vai Nhân gác một cái đòn gánh, miệng cười, tay trái đang móc một nắm quả trâm ra khỏi túi áo còn dính vệt máu khô sậm màu. Vệt máu khô, tưởng người trở về thì sao còn giữ mãi cái áo dính máu ấy được, Thẩm nghĩ trong lòng.

Nhưng Thẩm không làm sao xua được cái hình ảnh ấy khỏi cơn chiêm bao lùng nhùng rối rắm. Gương mặt Nhân mờ, vệt máu thì rõ. Nó dài dài như con rết, màu nâu hơi ngả ánh đen, loang từ thắt lưng lên, gần chạm đến viền túi áo có hột nút sút chỉ. Nó đâm vào mắt Thẩm như mũi dao. Thẩm biết nguồn cơn của nó, thấu độ sâu dài của nó như chính vết thương của mình. Từ một cuộc đánh ghen. Từ một sự lỡ lầm. Sau đó, bao năm rồi Thẩm không còn nhìn thấy Nhân lên rẫy nhà mình nữa. Dẫu vậy tin tức về Nhân chẳng khi nào đứt đoạn.

Hồi sáng này, Thanh theo đám thợ lên núi hái ớt mướn, thấy Thẩm là gọi mãi chẳng buông.

- Chị Thẩm ơi, chị khỏe không, sao nay gầy so thế này?

- Chị Thẩm ơi, ghé nhà em chơi, dưa gang đang vào mùa, em hái chị đem về đánh đá ăn cho mát.

- Chị Thẩm ơi, chị em trong xóm nhắc chị. Lâu lắm rồi không thấy chị ghé chơi. Anh Nhân gửi lời hỏi thăm sức khỏe, mời chị tháng sau qua giỗ bác Năm.

Thanh còn nói nhiều nữa, nói bữa trước, mới đây thôi con trai Nhân đầy tháng mà trời nắng nóng quá, chỉ làm mâm cúng nhỏ trong nhà, không mời ai. Nói năm nay khách du lịch đến chơi biển nhiều, homestay đông người ở lại. Nói dưới xóm giờ toàn quán cà phê, khách sạn, người đến người đi nườm nượp chẳng kể mùa nắng mùa mưa.

Thẩm nghe mà chỉ cười không đáp. Ngại ngùng quá. Thẩm cũng nhớ Nhân, nhớ bè bạn lắm, nhưng giờ chỉ cách một con đường mòn mà sao cuộc sống dưới đó đã đổi khác quá nhiều. Giả dụ gặp nhau thì biết nói gì bây giờ.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

“Anh ơi, em xin lỗi vì đã đâm anh, em đâu có cố ý đâu”. Hay “Anh ơi em xin lỗi vì đã phản bội anh. Em đâu có ngờ?”.

Thẩm nghĩ đến đó mới biết mình không nói được. Miệng ê ẩm chẳng khác gì ngậm một nắm đinh sắt, nghe quai hàm cứng lạnh. Mấy con chữ cứ va lạo xạo giữa hai hàm răng. Sao người ta có thể gặp nhau nhẹ hều vậy được? Máu đã chảy rồi, màu còn đỏ hơn màu ngói nhà Nhân khi Thẩm ở trên mỏm núi nhìn xuống. Từ cái dốc cách rẫy chừng trăm thước, núi đá mở về đông, biển xanh dưới chân hệt một vũng nước màu, mà bờ cát chỉ là một vành lược chải sóng mà thôi. Ở mãi trên núi, với Thẩm cái gì cũng đâm đơn điệu cả, ngoại trừ một cái nhà đỏ, có khoảng sân nhỏ nhỏ, trồng cây trúc đào lá tua tủa như kim mà cô vẫn cố tình tìm soi để nhìn cho bằng được. Nhà mới làm lại, đề biển “Homestay Sóng Vỗ” mơ màng, vậy mà lợp ngói đỏ chi đỏ dữ, như vết dao, như máu còn chảy mãi từ mười năm trước, như vết thương chưa lành bao giờ.

Mười năm trước, hồi Nhân chưa đi biển, má Thẩm vẫn hay nói biển sẽ làm người ta rắn lại, ngâm người ta thành đá. Thẩm không tin. Người thì vẫn là người thôi, sao thành đá được? Nhân hồi đó mới mười tám, còn non choẹt, èo uột như sợi bún, vậy mà má vẫn lắc đầu, tay cầm cái đòn gánh, đứng chống nạnh giữa cổng. Chỗ má đứng nhìn thấy một góc núi. Má nói vách nhà má dựa vào đá, không ai hiểu rõ đá hơn má, biết đá giỏi hơn má. Thẩm bảo không đâu, đá thì biết yêu sao được. Rõ ràng Nhân yêu Thẩm mà, yêu nên đợi Thẩm suốt bảy năm.

Thế mà sự chờ đợi của Nhân không làm má cảm động nhiều. Ở cái xứ này ai mà chả đợi. Đợi trời nắng những mùa mưa đằng đẵng. Đợi cơn lụt ngặt nghèo ầm ầm lướt qua. Đợt giếng cạn lại đầy những ngày sông trơ đáy. Đợi nước tràn rút xuống. Đợi bão đi. Đợi người biệt tích chưa về. Má Thẩm đợi lâu quá chai sạn cả. Nhắc đến đợi là má gắt. Má không đợi chắc? Má đợi đến giờ, hết nửa đời người.

Cha đi biển biệt tích. Má Thẩm bạc đầu. Hồi đi, cha bảo để cha kiếm chuyến này được bộn về xây nhà lầu hai tầng cho má leo cầu thang mỏi chân luôn. Má cười, chân má là chân leo núi, băng rẫy, sức mấy mà mỏi được. Nhưng, bây giờ má mới hiểu, cái mỏi mòn của cha đã nói. Tàu hết lượt này đến lượt khác cập bến, cha không tin tức, má đợi. Má nói làng mình thờ cá ông, thờ thần Phật, ông bà sẽ phù hộ cho mình. Chỉ khi ba Nhân qua nhà cùng với một cái ba lô đựng quần áo nặng trịch nước biển, má mới khóc. Chồng người ta về rồi mà chồng má không thấy đâu.

- Tụi tui câu đêm. Chắc ảnh hụt chân. Chừng chủ tàu biết thiếu người thì cũng chẳng biết tìm đâu.

Má chạy bình bịch lại chỗ cha Nhân, nhảy lên như muốn gào. Nhưng tiếng gào tắt lụi khi đối diện ba Nhân.

Hôm đó, Nhân và Thẩm nắm tay nhau nhìn ba người lớn đứng mà như sắp ngã, cứ nghe ông bà phù hộ, ông bà phù hộ, nghe vào cả cơn mơ. Má nghe thấy gì mà lại giận dữ? Má giận ai? Đêm xuống má ôm Thẩm. Tại sao người trở về không phải chồng mình? Tại sao không lấy hết đi và trả về hết? Tại sao cùng đi với nhau mà không về cùng nhau? Mất mát ập xuống, chém trên lưng má một vết dao, biến con người hóa thú vật ích kỷ khổ đau đến tột cùng. Ngày đó Thẩm lắng tai mà không nghe thấy tiếng khóc. Ngước mắt lên nỗi buồn đã rơi khỏi mắt má, nhìn lại hai khóe mắt đã khô veo.

Năm đó bão lũ nhiều, biển nhào lên cuốn luôn những mái nhà sát bờ. Mảnh đất ven biển bị sóng gặm nham nhở. Nhưng vì nghèo, khi sóng lặng, dân chài lại ra khơi. Xứ gì toàn thứ người lì lợm hơn đá! Sau chuyến ấy, cha Nhân dựng lại nhà gạch. Thấy má với Thẩm tội nghiệp quá má Nhân bảo chồng qua sửa đỡ mái nhà, bắt cái ống nước. Nhưng cuối cùng má con Thẩm vẫn bỏ xứ mà đi, lòng tốt sao giống sóng, khiến má hãi hùng. Mỗi khi sát vách có tiếng reo cha về, má lại sụp xuống, buồn muốn ngất.

Thế nên, Nhân thương Thẩm lắm nhưng không dám mang rượu trầu qua hỏi, cứ có cảm giác nhà mình đang cướp hết người thân của bà góa này.Má Thẩm biết hết. Má nói với Thẩm: “Thằng Nhân thì cũng được nhưng mà ganh đua quá”. Ganh đua hơn cả ba Thẩm. Không yên ổn được đâu. Thẩm lấy Nhân sẽ khổ hơn má bây giờ. Nhưng không lấy Nhân, Thẩm cũng có cảm giác mình khổ hơn má nghìn lần.

- Anh thương em, anh đừng đi biển, được không anh? Làm gì cũng được, nghèo cũng được. Em có cần anh giàu làm chi đâu.Anh cứ ở lại đi, mình làm rẫy, khoán rừng, làm mỏ đá, làm ruộng. Ở trên đất cũng sống được mà, chẳng lẽ sức người như vậy mà không đủ ăn hay sao? Chứ anh mà cứ nhất quyết đi biển thì em lấy người khác, má em không chịu anh, anh biết mà!

- Người ta đâu thể chỉ sống như thế này được, em? Người ta phải làm giàu chứ Thẩm, phải xây nhà, mua xe, mua tivi, tủ lạnh. Rồi tới thời con mình tụi nó mới sung sướng. Phải làm cho cái xứ nghèo đeo này giàu lên, khang trang lên chứ! Thẩm có hiểu Nhân không?

- Không, không, đừng chờ Thẩm hiểu. Cứ kệ Thẩm đi, đi đi!

Thế mà cứ lên rẫy là Thẩm lại cuốc đất hùng hục như trâu. Tựa như người đêm đêm mộng du chạy ra đường không phải người đàn bà rắn rỏi trước mặt. Như sáng này, lên rẫy, trời đã nắng chói chang. Thanh nhìn thấy Thẩm cũng ngẩng mặt lên, cặp mắt cong cong híp cười.

- Chị ăn uống gì chưa? Dưới gốc bơ có hai cái bánh ú chị lấy một cái đi. Em đem lên nhiều quá, ăn không hết.

- Thôi em ăn đi, để chị hái phụ chị em cho kịp, sắp trưa rồi.

Thẩm cúi đầu, vùi mặt vào hương ớt đỏ cay xè khóe mắt. Ước muốn trốn chạy nảy nở, rồi phình ra đè ép lồng ngực Thẩm. Thẩm ước gì đừng có ai nhắc Thẩm nhớ một điều gì về làng hết, đừng ai biết Thẩm, gọi tên Thẩm, chồng Thẩm. Ông trời đã bắt Thẩm phải làm kẻ tù phạm lưu đày thì cũng thôi, sao lại ác độc thế, bắt Thẩm lưu đày trên chính quê hương?

Người ta đổ tội cho Thẩm rằng Nhân buồn quá nên mới đi biển. Mỗi lần về, Nhân nhậu suốt ngày suốt đêm. Nhân đã có tiền, người đeo lủng lẳng một cái lắc vàng, cũng dạn dĩ lên, nhậu nửa két bia không đỏ mặt. Cậu chàng thành khách quen của quán “Đông Hải”, chiều nào cũng ở đó rót cồn, nhìn sóng. Phải uống phải ăn cho thỏa chứ, biết chết ngày nào. Trời còn thương cho trở về thì còn phải tận hưởng cho hết. Rồi còn phải có đàn bà và hơi men. Một khi tàu neo lại trên bến, đám người lại sà vào đấy, cuộc đàn đúm chỉ dứt khi máy thuyền lại phành phạch nổ lên.

Thẩm ghét những người đi biển là thế. Không biết mai mốt gì ráo trọi. Không biết lúc nào sẽ vụt khỏi tay mình. Má Thẩm đã để vụt cha Thẩm rồi mà má đâu chịu nhận. Có người nói cha chết rồi, có người nói cha đã được tàu khác cứu, còn sống sờ sờ ở Mã Lai. Má cứ trơ trơ như không bận lòng chi cả. Nhưng Thẩm không làm được như má, Thẩm thèm khát sự chở che của người đàn ông lâu dài trong nhà. Mùi mồ hôi, hơi thở ồm ồm, cái giọng lè nhè mỗi khi quát con, tướng đi hùng hổ, những bước chân rền rĩ nền đất.

Vậy nên Thẩm thà lấy Thành làm chồng, để Thành cà lơ phất phơ vác cần đi câu cá. Chỉ cần lúc Thẩm ở rẫy về, thấy ngay Thành nằm treo trên võng, để hai đứa nhỏ đào trùn trước sân. Chỉ cần như thế là đủ yên lòng. Dù cho chồng chỉ là một anh làm nghề câu cá bắn chim bẫy thú rừng lông bông. Lo gì, làm rẫy không đủ thì làm thuê cho rẫy khác, đói làm sao được, không giàu mà thôi. Có phải vậy là yên bình không? Thẩm nhìn đêm đen rồi nhìn năm ngón tay mình. Năm ngón tay đã nắm lại trước quán nhậu Đông Hải.

Độ trước, Thẩm đi chợ lúc nào cũng lén vòng qua trước quán nhậu, mắt nhìn thẳng nhưng khóe mắt thì điểm qua từng gương mặt khét mùi muối biển ngồi xiêu vẹo quanh bàn. Dưới cái mái che lợp lá dừa, miệng những chai bia xù bọt trắng nhấp nhô như bơi trong mùi mực nướng, mùi bia rượu phà phà. Họ cười ầm ĩ khi thấy bóng người đi qua, trong khi tay thì quàng lấy vai đàn bà như một chiến lợi phẩm. Thành cũng ngồi trong đám đấy, bên hông để một túi đồ câu, tay quàng vai một đứa con gái trắng toát. Thẩm giật mình.

Cánh tay trắng, đùi trắng, bầu ngực ả cũng trắng như đậu hũ non. Đậu hũ vắt qua mình của chồng Thẩm uốn éo như sắp chảy nhão thành nước. Mà chồng Thẩm thì vừa hôn cổ cô ta vừa cười. Thẩm biết mình không nên trách riêng một ai cả. Thằng chồng cũng là kẻ khốn nạn. Nhưng sự phản bội trơ tráo làm mắt Thẩm tóe lửa. Ngay lập tức, Thẩm quăng nón, để mặc tay chân lao lên trước thân mình như bốn mũi lao. Người ta vật nhau ra, xâu xé. Loảng xoảng, ả xô đổ một lô lốc ly thủy tinh và vỏ chai. Thẩm túm lấy tóc ả mà giật, dép bật ra. Bàn chân giẫm lên miểng, chao đảo. Trời đất trước mắt Thẩm quay cuồng.

Thằng chồng điên tiết đè Thẩm xuống, vớ lấy dao gọt trái cây trên bàn, cứa cổ. Thẩm giằng ra. Tay nó trơn và cứng như cùm thép. Thẩm đọc thấy sự nhục nhã và lửa dại trong mắt chồng. Cả đám người vây lại xem, la hét, hết thụt lại lùi. Có vài người chen lên lao tới khóa lấy tay người đàn ông. Con dao bị đẩy ra, Thẩm nhổm dậy. Ngay lập tức, ánh loang loáng vụt khỏi tay, trong tích tắc Thẩm biết thằng chồng sắp chết. Con dao sát mặt nó lắm rồi. Đoạn, loạng choạng nhào dậy. Trong tích tắc, kẻ cầm dao sững sờ đã bị Thẩm đẩy mạnh. Và máu loang, nhưng là trên hông của Nhân - kẻ xông vào cứu Thẩm.

Đến đây, Thẩm đã không thể nào nhớ được nữa. Trước mắt Thẩm màn đêm đặc sánh lại cứ nhồi căng cứng hai hốc mắt. Nỗi kinh hoàng giống như sóng dữ, chồm lên, chồm lên thành một cơn khổ sầu vĩnh viễn. Cái ánh mắt mà Nhân nhìn Thẩm khi ấy rồi sẽ giết Thẩm một ngày kia. Nó thất vọng và khổ sở quá. Nó hoảng hốt và suy sụp quá. Thẩm bị nhấn trong vũng lầy ăn năn đến tê liệt hết cả người. Khi Thẩm tỉnh, người đã tản đi hết. Quán nhậu bên bờ biển lại yên lặng như thể sắp sụp, mấy cái chân cột nghiêng vẹo thò mình xuống nước.

Người ta nói ở đất này núi với biển đang nắm tay nhau, là xứ đất trời đẹp đẽ như tranh vẽ. Nước biển xanh ngọt vỗ về quanh cánh tay đất. Giờ thì chỉ mình Thẩm thấy, tụi nó đang đè ép hủy diệt nhau. Hóa ra dù ở đất hay ở biển, người muốn đi thì giữ bằng trời cũng giữ không được. Có cần ngâm nước biển đâu, chồng Thẩm cũng lòng dạ sắt đá, cũng phản bội như thường. Nhưng nếu như nhát dao đó, không phải đâm vào ai lại càng hay hơn. Thẩm sẽ dễ dàng quên Nhân như quên chồng. Đâu cần phải vật vờ lâu thế. Nếu không phải hồi chiều, tan buổi hái rẫy, Thanh cho Thẩm coi ảnh, chắc phải còn lâu lắm Thẩm mới biết mình sắp quên được.

Cái sự quên lãng diễn ra im lặng đến nỗi, tiếng ký ức bị đập đi cũng khẽ khàng như lá ớt rụng. Thẩm ngửi thấy mùi mồ hôi hắc mùi cay của lá ớt, nếm thấy trong miệng vị chua lòng của vòm họng khát khô, biết ánh mặt trời nóng rẫy trên cánh tay và thấy Thanh đưa điện thoại lại. Nhưng không nghe thấy gì cả. Không gian yên lặng quá, tiếng những người thợ tán gẫu dưới gốc cây bơ nghe xa xăm như vọng lên từ dưới mặt nước. Giọng Thanh còn khẽ hơn tiếng thở.

Thanh ghé đầu nói, con trai anh Nhân đó, nhìn dễ ghét ghê hông. Thẩm liếc mắt nhìn, thằng bé nhỏ xương, người bé xíu mà hai má lại phính, dễ thương như mấy đứa trẻ trong quảng cáo tã giấy trên tivi. Người đàn ông ôm nó cười rất hiền. Thẩm không có cảm giác gì khi nhìn mặt cha nó, người đó lạ quá. Thẩm còn ngờ ngợ có phải là Nhân không. Thanh bèn chêm thêm một câu, nhìn ổng không thấy già hen chị. Thẩm không biết đáp thế nào.

Nhân ư, nào đâu phải. Thẩm không biết người trong ảnh già hay trẻ, không đoán được tuổi, tóc cắt rất gọn, da đỏ quạch, phong trần, nhưng nụ cười sáng rỡ sung sướng. Thẩm nhớ Nhân trong ký ức, mười tám hai mươi, da trắng, công tử nhìn mảnh khảnh, hiền hiền. Thẩm rụt đầu lại, sợ cái người đàn ông mới nhìn thấy làm nhòa hình ảnh nhòe nhoẹt của người thương ngày xưa. Cái người đã từng khóc khi thấy Thẩm ngã quỵ bên bờ cỏ. Mua nở tím gò hoang, dây rừng quấn quanh eo như một đàn rắn độc. Thẩm nhỏ người, bao năm rồi vóc dáng vẫn như trẻ con, chỉ có chân tay là cằn cỗi đi, khô nhăn như vỏ cây, giống gốc sanh rừng bị ép nhét vô chậu làm cây kiểng. Nhân đã muốn ôm luôn Thẩm như thế bỏ đi quá chừng. Làm một tên trộm cây cũng được, ngay thẳng để mà làm gì? Nhưng hai đứa con Thẩm còn đứng cổng trường nhìn ra lúc Nhân ngang qua, nó thơ dại quá. Thế là Nhân xốc Thẩm lên chạy xuống trạm xá.

Một Nhân như thế mà cũng đã đổi khác, Thẩm bàng hoàng tê dại. Thẩm nghe những người đàn bà hái thuê nói dưới chân vạt núi bên cạnh đã làm xong sân golf rồi, xanh rờn như trải thảm. Người ta thắc mắc sao mảnh đất vàng sát rìa một khu nghỉ dưỡng đồ sộ thế này lại có cái rẫy trồng ớt đỏ au. Thẩm nghe mà bồn chồn. Chẳng mấy chốc mà Thẩm hết trốn được nữa. Khác xưa hết rồi. Người ta có trốn cỡ nào, có trốn lên núi đi nữa cũng không thoát được đổi thay. Thời gian sẽ mang đi tất thảy những gì cũ kỹ thân thương, người yêu, bè bạn, những con đường cũ, nhà, cây, núi và biển. Mang đi hết để lại toàn là người mới, cây mới, nhà mới, biển mới, đất trời mới.

Những tòa nhà trắng đã lấn tới lồ lộ bên hông cái chòi rẫy của Thẩm. Trên vành lược cài lên sóng điểm tô hàng dãy những bông hoa dù che nắng bảy sắc cầu vồng. Đường xuống bãi tắm hoang sơ bị rào lại. Chợ cá bị dời qua bãi khác. Quán nhậu Đông Hải bị dẹp, trở thành một cái nhà hàng kiểu của một công ty địa ốc. Ngay trên mái chòi Thẩm ngồi, một cái khách sạn mọc trổ ra khỏi sườn dốc, che hết ánh mặt trời. Thẩm chợt nghĩ sau này ở đâu, nơi Thẩm sống từ nhỏ đến lớn, sẽ còn lưu lại dấu vết mình?

Người đã đi hết rồi, nếu đến cái nhà, hàng cây còn không giữ được thì quê hương có còn là quê hương của mình không?

Không ai biết.

Thẩm quyết định gửi con và má qua thị xã, một mình canh giữ cái chòi, nơi lưu giữ những kỷ niệm cuối cùng mà Thẩm quen thuộc. Trên rẫy này, cha Thẩm đã trồng ớt, trồng chanh, mẹ Thẩm đi nhổ cỏ hay hái cây đót về làm chổi. Trên rẫy này, Thẩm và Nhân rượt nhau chạy chơi, rủ nhau hái sim rừng, chà là, trâm chín. Thẩm còn nhớ rõ cái cây trước chòi từng có một tổ chim cu gáy, Nhân trèo lên mấy lần đòi bắt chim con về nuôi. Tất cả những cái ấy là gia tài của Thẩm, cũng là nỗi đau của Thẩm, là kho báu cô tỉ mẩn cất trên núi nơi chỉ có cây và cây, đá và đá, mưa nắng hai mùa năm này tháng nọ, dường như chẳng thay đổi bao giờ.

Nhưng đêm nay giữa đất lở, tất thảy thành vô nghĩa. Hai khối đất lớn chôn vùi rẫy hoa màu, đè rạp lên chòi rẫy. Cái cây có tổ chim cu ngã rào rào như mưa sau lưng. Thẩm bừng người khỏi cơn mộng du, bảy vía bay mất hai, ngã chúi dụi mà chạy khỏi rẫy. Chạy hồng hộc như dại, mệt quá thì bò. Đến khi kiệt sức, Thẩm gục đầu trên đá mà nghỉ, chờ trời sáng. Đã có lúc Thẩm nghĩ, hay là chết ở đây luôn? Có khi lại may. Khỏi phải nhìn thấy đổi thay bay biến, khỏi phải nhìn thấy lật lọng, nhỏ nhen. Đang yên lành cha đòi đi biển theo người ta, đang yên lành Thẩm mất cha, bà má hiền như bụt hóa ra cay nghiệt hằn học. Đang yên lành chồng ngoại tình, gia đình tan nát. Thẩm chợt nhận ra những gì mình canh cánh nó vô nghĩa biết chừng nào!

Giờ chạy xuống đấy, có ai chào đón mình đâu? Có người nào tìm mình nữa? Thẩm gục đầu xuống khóc, hai chân đau nhức dữ dội. Gió hoang ùa tới mang theo hơi đất ẩm lạnh và chua khắm. Rừng ồn ào tiếng dế kêu đêm. Thẩm nhắm mắt, cố nhét mình vào những cơn mơ khác. Trong mơ Thẩm lại có cảm giác được người ta ôm về nhà.

Trời chưa sáng, cỏ xanh ngã rạp trong tiếng khua khoắng, tiếng khóc rưng rức của trẻ con và tiếng người gọi nhau ầm ĩ. Thẩm được tìm thấy ở ngay ngoài những rừng điều dưới chân núi. Ướt sương đêm. Hai đứa con Thẩm đi theo bà ngoại, chạy tới ôm chầm mẹ nó đầy đất cát. Bọn chúng nâng đầu Thẩm lên, mặt cô đầy nước mắt. Hai đứa nhỏ thút thít thấy mẹ trong mơ còn khóc.

- Mẹ ơi, con muốn về nhà!

Truyện ngắn của Thanh Ly

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/ai-lam-cho-khoi-len-troi-i751105/
Zalo