AI là xu thế nhưng cũng cần phải khắc chế

Hiện công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng khá nhiều ở Việt Nam. Nó hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong nhiều hoạt động, tiết kiệm chi phí. Song nó cũng tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh mạng. Do đó các doanh nghiệp, tổ chức cần chú ý để trang bị những giải pháp để tăng cơ hội và giảm nguy cơ từ AI.

Cách AI đang thay đổi doanh nghiệp

Trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, chuyển đổi kinh doanh nhờ AI đang làm thay đổi doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Bằng việc tận dụng phân tích dự đoán, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng và phát huy hết tiềm năng của mình, xây dựng một tương lai vững chắc cho việc phát triển lòng trung thành từ khách hàng và cả về doanh thu.

Gần đây, Home Credit là một trong những đơn vị ứng dụng AI trong dịch vụ chăm sóc khách hàng. Trước đó, đơn vị này sử dụng tới 1.000 nhân viên chăm sóc khách hàng song sau khi sử dụng AI cho công việc này, số nhân sự giảm còn khoảng 300 người. Quá nửa số lượng công việc cần thực hiện trong trung tâm chăm sóc khách hàng của Home Credit được thực hiện bởi AI – chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều.

FPT Long Châu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để đào tạo nhân viên. Ảnh minh họa: DNCC

FPT Long Châu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để đào tạo nhân viên. Ảnh minh họa: DNCC

Ngoài Home Credit, ứng dụng AI trong dịch vụ chăm sóc khách hàng hiện cũng được nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng.

Tại hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” do Viện Quản trị và Công nghệ FSB tổ chức mới đây, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho biết, một trong những ứng dụng AI phổ biến nhất trong doanh nghiệp hiện nay là sử dụng hỗ trợ trên kênh trò chuyện (chat). AI sẽ giúp doanh nghiệp hỗ trợ người dùng có thể hỏi đáp về các dịch vụ, điều kiện sử dụng sản phẩm… Trên mỗi website của doanh nghiệp sẽ có “người hỗ trợ ảo” như vậy.

Ngoài ứng dụng trên, AI còn được doanh nghiệp sử dụng để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân viên và FPT Long Châu là một trong số doanh nghiệp được ứng dụng. Doanh nghiệp này có hơn 10.000 dược sĩ, hàng ngày các dược sĩ phải nắm rõ rất nhiều loại thuốc khác nhau, mỗi loại bệnh cần lấy thuốc gì, có những loại nào thay thế được cho nhau, thuốc nào nằm ở đâu trên các kệ tủ…

Do đó, chuỗi nhà thuốc này đã ứng dụng trợ lý ảo AI Mentor để đào tạo dược sĩ. Thay vì tổ chức các lớp đào tạo tập trung hàng trăm người và có khi kéo dài tới hàng tháng như thông thường, mô hình đào tạo mới này cho phép các dược sĩ tham gia các khóa học ngắn chỉ 3-5 phút mỗi ngày trên điện thoại di động. Kiến thức của họ sẽ được đánh giá và xác định ra những lỗ hổng cần bổ sung, từ đó thuật toán thích ứng của AI sẽ đưa ra những nội dung học phù hợp, nhắc đi nhắc lại đến khi học thuộc mới thôi.

Lãnh đạo FPT Long Châu cho rằng, kiến thức của những dược sĩ tăng lên đáng kể sau khi đào tạo nhờ AI nên sẽ triển khai cho toàn bộ dược sĩ của hệ thống nhà thuốc được thường xuyên học tập trên nền tảng đào tạo này.

Mô hình đào tạo tương tự cũng đã được triển khai ở nhiều doanh nghiệp liên quan tới các lĩnh vực bán lẻ, thời trang, dịch vụ tài chính…

Ông Việt, cho rằng AI có thể giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, giúp nhân viên hiểu hơn những việc cần làm và đào tạo để họ làm việc tốt hơn. Hiện Việt Nam đã qua hàng chục năm phát triển các ứng dụng nên các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng AI khá đơn giản, dùng đến đâu trả tiền đến đó.

“Sai lầm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, tổ chức là không ứng dụng AI. Bởi hiện tại đây là thứ không thể không có, nó dễ sử dụng và rẻ,” ông Việt nói.

Đồng quan điểm, trao đổi với KTSG Online, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức nên tích cực dùng AI trong công việc. Bởi AI không phải là tương lai nữa mà đã ở hiện tại nên các lãnh đạo doanh nghiệp hãy bắt đầu triển khai AI ngay từ bây giờ.

Bà đưa ra lời khuyên này sau khi Microsoft công bố báo cáo chỉ số xu hướng công việc năm 2024 chủ đề “Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi”. Bà Trâm cho biết nhiều nhân viên tại Việt Nam tự trang bị các công cụ AI, không chờ đợi tổ chức có kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể. Bởi AI giúp họ tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và cho phép tập trung vào các nhiệm vụ chính. Thực tế này đặt ra thúc giục các lãnh đạo doanh nghiệp phải tạo ra một môi trường làm việc ứng dụng tốt nguồn lực này để gia tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.

“Lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, xem AI như một cách thức và công cụ mới để làm việc, không phải là cách để cắt giảm nhân sự ngắn hạn. Đừng chỉ dùng nó như công cụ để tăng tốc công việc hiện tại, mà hãy coi như một cách để đạt được những điều trước đây là không thể,” bà Trâm nhấn mạnh.

Là xu thế những cũng cần khắc chế

Số liệu đáng lưu ý trong khảo sát mới được Microsoft công bố là có tới 70% người dùng AI tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ AI cá nhân. Bà Trâm cho rằng người lao động trí thức tại Việt Nam không những cởi mở mà còn rất chủ động với việc ứng dụng AI. Ngay cả khi doanh nghiệp hoặc tổ chức chưa sẵn sàng để ứng dụng AI thì họ cũng đã và đang tìm cách để đưa AI vào hỗ trợ công việc cho cá nhân mình hàng ngày.

Tuy nhiên, lãnh đạo Microsoft cho rằng đó cũng là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp. Bởi thực trạng này dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI trên phạm vi rộng và một cách chiến lược, đồng thời làm tăng nguy cơ về mất an toàn thông tin của dữ liệu của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo và triển lãm an toàn không gian mạng Việt Nam – Vietnam Security Summit 2024 gần đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, bên cạnh lợi ích mang lại, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đang được tội phạm mạng sử dụng để dễ dàng chế tạo ra các phần mềm độc hại mới. Từ đó, tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi, với nhiều kịch bản tấn công đa dạng…

Hacker sử dụng AI để tối ưu hóa các cuộc tấn công mạng, phát triển các phần mềm độc hại và đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware. Ảnh minh họa: DNCC

Hacker sử dụng AI để tối ưu hóa các cuộc tấn công mạng, phát triển các phần mềm độc hại và đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware. Ảnh minh họa: DNCC

Thống kê của Cybersecurity Ventures, trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại tới 8.000 tỉ đô la Mỹ bởi các cuộc tấn công mạng, tương đương gần 21 tỉ đô la Mỹ mỗi ngày, con số đó dự kiến sẽ tăng lên 9.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công ransomware.

Trao đổi tại hội thảo trên, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết AI là một công nghệ lưỡng dụng, được sử dụng cho cả mục đích tấn công và cả mục đích phòng thủ. Mối đe dọa lớn nhất là những kẻ tấn công mạng (hacker) sử dụng AI để tạo ra các cuộc tấn công tinh vi hơn. Tạo ra các phần mềm độc hại, dò quét và phát hiện những lỗ hổng để từ đó vượt qua các phương pháp bảo vệ và tấn công vào hệ thống thông tin.

“Khi phát động các cuộc tấn công lừa đảo có mục tiêu, hacker còn dùng AI tạo thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, song việc ứng dụng AI để tạo ra các kịch bản và tổ chức lừa đảo trên mạng xã hội rất phổ biến, khiến cho nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong xã hội”, ông Khoa chia sẻ.

Bên cạnh rủi ro lớn khi AI hỗ trợ các chiến dịch lừa đảo trực tuyến, ông Khoa cũng chỉ ra một số rủi ro chính khác mà công nghệ này đưa đến cho lĩnh vực an toàn thông tin mạng, đó là: hacker sử dụng AI để tối ưu hóa các cuộc tấn công mạng, phát triển các phần mềm độc hại và đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware…

Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, AI đang mang lại nhiều rủi ro và thách thức về cả xã hội, pháp lý và an ninh mạng. Các thách thức an ninh mạng có thể kể đến như tấn công thông qua tệp tin độc hại được hỗ trợ bởi AI, hacker dùng các công nghệ đặc biệt để mô phỏng hệ thống nhằm tìm điểm yếu…

Trong thời kỳ bùng nổ của AI và các công nghệ mới nổi khác, để đảm bảo an ninh mạng, Thứ trưởng Long đề nghị các cơ quan, tổ chức nhận thức rõ và triển khai các giải pháp như: rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các hệ thống thông tin, tổ chức bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin;

Thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình nhiều lớp bảo vệ; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố có thể xảy ra với hệ thống, triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục hoạt động của hệ thống khi bị tấn công mạng…

Theo đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, để giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI; cần có quy định về đạo đức trong quá trình phát triển, sản xuất, ứng dụng và sử dụng AI tại Việt Nam; có tiêu chuẩn kỹ thuật với các hệ thống có sử dụng, ứng dụng, kết nối, cung cấp dịch vụ AI; quy chuẩn kỹ thuật về nền tảng kết nối, chia sẻ, ứng dụng, sử dụng AI.

Còn ông Lê Hồng Việt cũng lưu ý, Việt Nam đã có chiến lược AI quốc gia, nhưng các vấn đề đạo đức, hành lang pháp lý thì chưa có. Trên thế giới cũng đang có nhiều tranh cãi khác nhau. Các nước thường đưa ra nguyên tắc, nguyên lý AI để tuân theo.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ai-la-xu-the-nhung-cung-can-phai-khac-che/
Zalo