Ai đang nắm cổ phần VinSpeed cùng ông Phạm Nhật Vượng?

Ông Phạm Nhật Vượng nắm 51% cổ phần VinSpeed, 49% còn lại thuộc về các cổ đông như Vingroup, Công ty Đầu tư Việt Nam, Phó chủ tịch Vingroup và 2 con trai ông Vượng.

 Vinspeed được thành lập với mục tiêu đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình đường sắt cao tốc, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải đường sắt và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà/Vietnamnet.

Vinspeed được thành lập với mục tiêu đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình đường sắt cao tốc, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải đường sắt và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà/Vietnamnet.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed vừa đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Theo đăng ký đầu tư dự án, VinSpeed cho biết sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỷ đồng(khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại, khoảng 49,08 tỷ USD (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Theo tìm hiểu, VinSpeed là doanh nghiệp mới được cấp giấy phép thành lập từ ngày 6/5 vừa qua, trở thành công ty mới nhất trong hệ sinh thái doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm cổ phần chi phối, bên cạnh một số công ty khác như VinRobotics, VinEnergo, Xanh SM...

Công ty có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 51% cổ phần.

Ngoài ra, danh sách cổ đông còn có Tập đoàn Vingroup (góp 600 tỷ đồng, tương đương 10% cổ phần), CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (góp 2.100 tỷ đồng, tức 35%); bà Phạm Thúy Hằng - Phó chủ tịch HĐQT Vingroup (góp 180 tỷ đồng, tương đương 3%); 2 người con trai của ông Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh mỗi người góp 30 tỷ đồng, tương đương 0,5% cổ phần/người.

Vinspeed được thành lập với mục tiêu đầu tư xây dựng kinh doanh (vận hành, khai thác) các công trình đường sắt cao tốc, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải đường sắt (đầu máy, toa xe) và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt nhằm góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước.

Liên quan đến đề xuất làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, VinSpeed cho biết công ty xác định đây sẽ là dự án cống hiến dài hạn trong nhiều thập kỷ.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư) có tổng vốn đầu tư sơ bộ, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD.

Dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công và nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, 80% vốn từ nguồn ngân sách của Nhà nước, 20% từ nguồn vay ODA hoặc từ các nguồn khác.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt sẽ được khởi công vào tháng 12/2026 và cơ bản hoàn thành năm 2035.

Tuy nhiên, theo đề xuất của VinSpeed, nếu được chọn làm nhà đầu tư dự án, công ty kỳ vọng khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030, tức sớm 5 năm so với chủ trương đầu tư ban đầu.

VinSpeed cho biết công ty đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam.

Công ty cũng sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ nhằm tạo sự chủ động trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cho quốc gia.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-dang-nam-co-phan-vinspeed-cung-ong-pham-nhat-vuong-post1553191.html
Zalo