AI - Con dao hai lưỡi, dùng sao mới đúng?

Tư duy phản biện và liêm chính khoa học là hai thách thức quan trọng nhất trong quản lí đào tạo đối với trường đại học khi cho sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học.

Tại buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập thích ứng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, TS. Nguyễn Quang Huy (Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá những thuận lợi, thách thức đối với giảng viên, sinh viên trước tác động của trí tuệ nhân tạo (AI).

AI là công cụ hỗ trợ đồng hành cùng sinh viên, giảng viên trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học

AI là công cụ hỗ trợ đồng hành cùng sinh viên, giảng viên trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học

Đối với giảng viên, ông Huy cho rằng, AI có tác động tích cực khi nâng cao chất lượng giảng dạy, hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Đối với sinh viên, AI giúp tối ưu hóa thời gian và hiệu quả học tập, phát triển tư duy và học tập chủ động, hỗ trợ học ngoại ngữ và kĩ năng.

AI đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với giảng viên và sinh viên. Sinh viên phụ thuộc vào AI làm suy giảm khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, thiếu kĩ năng kiểm chứng thông tin, dễ bị dẫn dắt sai lệch, sử dụng nguồn không chính thống, khó phát triển cá nhân, bị cạnh tranh trong công việc,...

Rủi ro đối với liêm chính học thuật

TS. Lê Quang Minh - Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, khảo sát tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, trên 77% giảng viên được khảo sát có ứng dụng AI.

Phần lớn giảng viên đánh giá tích cực về việc ứng dụng AI trong giảng dạy (tổng cộng 68,2% cho rằng AI rất hiệu quả hoặc hiệu quả). Tuy nhiên, 25,9% giảng viên chưa thực sự đánh giá AI đạt hiệu quả cao.

Nguồn: TS. Lê Quang Minh - Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: TS. Lê Quang Minh - Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến việc sử dụng AI của giảng viên là thiếu kiến thức, kĩ năng (trên 70%); thiếu thời gian (trên 57%); thiếu cơ sở vật chất (gần 50%); thiếu sự hỗ trợ từ trường học (trên 42%).

Chuyên gia điểm tên những thách thức, hạn chế trong việc sử dụng AI bao gồm: phụ thuộc vào AI (khoảng trên 88% sinh viên); đạo đức và liêm chính học thuật (trên 82%).

Chuyên gia cho rằng cần cân nhắc đưa ra vấn đề đạo đức, liêm chính sử dụng AI trong giáo dục, nghiên cứu. Vì các thuật toán AI đôi khi có thể bị thiên vị, dẫn đến đối xử không công bằng với một số nhóm sinh viên nhất định. Thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu người học làm tăng các vấn đề về quyền riêng tư. Điều cần thiết là các công cụ AI phải minh bạch trong các quy trình hoạt động và ra quyết định của chúng.

Ông Minh khẳng định sử dụng AI sẽ có những rủi ro tiềm ẩn mà nhà trường, giảng viên, sinh viên cần nhận diện được. Đó là việc tích hợp AI trong giáo dục đặt ra những rủi ro đối với liêm chính học thuật. Công cụ AI có thể giúp sinh viên đạo văn nội dung dễ dàng hơn. AI có thể tạo ra câu trả lời cho các bài tập và bài kiểm tra, làm suy yếu quá trình học tập.

Vì vậy, cần có những chính sách ứng xử phù hợp như cơ sở giáo dục nên phát triển các chính sách rõ ràng về việc sử dụng các công cụ AI có thể chấp nhận được. Sinh viên nên được giáo dục về việc sử dụng AI có đạo đức và tầm quan trọng của liêm chính học thuật.

Một sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo khóa đầu tiên của Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, trong quá trình học tập, sinh viên này cùng nhóm bạn sử dụng AI rất nhiều. AI vừa là người thầy, người bạn, khi các thầy cô không thể kèm sát sao hết 40 sinh viên một lớp.

Việc lạm dụng AI cho bài kiểm tra, bài thảo luận của sinh viên không phải vấn đề mới. Trên thực tế, việc xuất hiện những sinh viên có tư tưởng “gian lận” ở thời điểm nào cũng có. Khi AI chưa phát triển như hiện nay, họ có thể sao chép từ những nguồn khác từ sách hay các tài liệu nghiên cứu.

"Do đó em đề xuất thay vì hạn chế sinh viên sử dụng AI, nhà trường sẽ có hướng dẫn chúng em cách dùng AI như thế nào để chính xác, phục vụ hiệu quả mục đích học tập”, sinh viên này bày tỏ.

Hướng dẫn sinh viên sử dụng đúng mục đích

GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân - nhấn mạnh, AI phát triển đến đâu thì cuối cùng, sự tiếp xúc giữa người với người, thể hiện được tình cảm, cảm xúc vẫn là điều cao nhất, quan trọng nhất. Tất cả công nghệ được phát triển cũng là để phục vụ thế giới thực.

Vài năm trước, Đại học Kinh tế Quốc dân đã cho phép sinh viên sử dụng AI, ChatGPT. Điều quan trọng là các em sẽ sử dụng những công cụ này như thế nào.

Các chuyên gia khuyến khích nhà trường nên hướng dẫn sinh viên làm chủ AI.

Các chuyên gia khuyến khích nhà trường nên hướng dẫn sinh viên làm chủ AI.

Theo ông Chương, đối với sinh viên, yêu cầu cuối cùng phải là khả năng làm chủ công nghệ. Khi các em học tập, những công cụ như ChatGPT có thể hỗ trợ đưa ra câu trả lời, nhưng các em cần hiểu được, vận dụng được câu trả lời đó.

“Làm chủ” ở đây có nghĩa sinh viên phải đặt ra được vấn đề, hiểu được quy trình, còn ChatGPT hay các công cụ khác sẽ hỗ trợ đưa ra lời giải. Giảng viên cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức và phương pháp tư duy để từ đó các em hiểu được, làm chủ được công nghệ.

Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường đang tiến tới việc ứng dụng, áp dụng phương thức đào tạo Lecture/Seminar. Mô hình này được hiểu là việc dạy và học 1 môn học/học phần kết hợp giữa các lớp Lecture và lớp Seminar trong một học kì. Lớp Lecture gồm một hoặc nhiều lớp học phần (sinh viên đăng kí học cùng một môn học/học phần) có quy mô không quá 300 sinh viên; lớp Seminar là lớp học phần có quy mô từ 20-30 sinh viên.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ai-con-dao-hai-luoi-dung-sao-moi-dung-post1734898.tpo
Zalo