Ai có thể ghép tế bào gốc tự thân?

Ghép tế bào gốc tự thân thường được áp dụng để điều trị một số loại ung thư và rối loạn miễn dịch

Bác sĩ Phan Thị Phượng, Trung tâm Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ghép tế bào gốc tự thân là kỹ thuật mà nguồn tế bào gốc được thu thập từ chính cơ thể bệnh nhân, sau đó được xử lý, lưu trữ và truyền lại cơ thể sau khi tình trạng bệnh ổn định và được điều trị hóa chất diệt tủy.

Ghép tế bào gốc được chỉ định điều trị một số bệnh về máu và ung thư

Ghép tế bào gốc được chỉ định điều trị một số bệnh về máu và ung thư

Ghép tế bào gốc tự thân có 3 ưu điểm gồm: Giảm nguy cơ phản ứng cấy ghép do tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân; Không cần người hiến tặng nên tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm kiếm người hiến phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cũng hồi phục nhanh hơn so với việc ghép tế bào gốc từ người cho khác. Nếu dùng tế bào gốc tự thân để ghép sẽ giảm tác dụng phụ, giảm nguy cơ thải ghép.

Tuy nhiên, bác sĩ Phượng cũng cho biết bên cạnh những ưu điểm trên, kỹ thuật này cũng có một số hạn chế. Đó là chỉ áp dụng được cho một số nhóm bệnh, sau ghép vẫn có nguy cơ tái phát bệnh.

Một số bệnh nhân phải trải qua nhiều đợt hóa trị, các tế bào gốc của bệnh nhân bị tổn thương dẫn đến khó thu thập tế bào gốc.

Bác sĩ Phượng cho biết bệnh nhân phù hợp để điều trị bằng ghép tế bào gốc tự thân bao gồm: Người bệnh mắc một số nhóm bệnh ung thư huyết học ác tính như đa u tủy xương, u lympho Hodgkin và không Hodgkin; một số bệnh lý tự miễn như viêm tủy thị thần kinh, Lupus ban đỏ hệ thống, đa xơ cứng…

Những nhóm bệnh nhân không phù hợp bao gồm: Bệnh nhân có tình trạng suy tim, suy thận hoặc nhiễm trùng không kiểm soát; Những bệnh nhân không đủ sức khỏe để chịu đựng quy trình điều trị; Bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát bệnh từ chính tế bào gốc của họ.

Quy trình kỹ thuật của ghép tế bào gốc tự thân gồm thu thập tế bào gốc từ máu ngoại vi hoặc tủy xương của bệnh nhân. Sau đó tế bào gốc được xử lý và lưu trữ ở nhiệt độ âm sâu cho đến khi sử dụng. Tế bào gốc được truyền lại vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch; bệnh nhân được theo dõi và phục hồi.

Theo bác sĩ Phượng, bệnh nhân ghép tế bào gốc được BHYT chi trả một phần chi phí, tùy đối tượng. Chi phí ghép tế bào gốc tự thân vào khoảng 70-150 triệu và có thể tăng lên tùy theo diễn biến quá trình điều trị cũng như mức độ phức tạp của bệnh.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ai-co-the-ghep-te-bao-goc-tu-than-196241020164330591.htm
Zalo