AI - cơ hội lớn cho thị trường sách nói

Với sự cải tiến và thay đổi liên tục của xã hội, thói quen đọc sách dường như trở thành điều xa xỉ khi thời gian của mỗi người đều được cân đong, đo đếm từng phút. Tuy vậy, nhờ sự phát triển về công nghệ lẫn chất lượng, hình thức sách nói dần được nhiều người ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.

Lời hồi đáp của thính giả

Thị trường sách nói trong nước hiện được đánh giá có chiều hướng khá tích cực, không chỉ ở số các ứng dụng sách nói đang hoạt động ổn định như Bookas, Voiz FM, Fonos... mà còn thể hiện qua số lượng người dùng tăng dần theo thời gian, cách họ gắn bó lâu dài với nền tảng.

 Thính giả dễ dàng nghe sách nói ở bất cứ đâu. Ảnh: Minh Hiếu

Thính giả dễ dàng nghe sách nói ở bất cứ đâu. Ảnh: Minh Hiếu

Sách nói góp phần giải quyết được vấn đề lớn nhất của những người bận rộn, khi thời gian còn lại sau ngày làm việc thậm chí không đủ để chia đều cho gia đình và bản thân. Chị Phương Quỳnh (35 tuổi, giáo viên, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thích đọc sách nhưng công việc bận rộn, rất khó có đủ thời gian để đọc sách như bình thường, chính vì vậy tôi đến với sách nói. Vừa nghe sách, vừa làm việc là một lựa chọn tiện lợi, Tuy không thể bằng đọc sách theo cách truyền thống, nhưng ít nhất nó giúp tôi phần nào thỏa mãn việc tiếp cận với các tác phẩm”.

Nếu nhiều người có đam mê cầm sách giấy và cảm nhận mùi thơm của bột gỗ, của mực in trên mỗi trang giấy mới, thì việc nhắm mắt và tưởng tượng từng diễn biến, khung cảnh của nội dung qua lời kể lại thu hút các thính giả nghe sách. Giọng đọc sách của các ứng dụng sách nói thường đa dạng. Thậm chí, một số tựa sách đặc biệt còn có sự đầu tư kỹ lưỡng với sự phân vai và góp giọng của nhiều voice talent (người đọc) khác nhau.

Tuy đã đọc nhiều bản sách giấy nhưng sau khi nghe thử một chương tiểu thuyết Sông (Nguyễn Ngọc Tư) trên ứng dụng Fonos, anh Minh Hiếu (27 tuổi, nhà thiết kế đồ họa, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn quyết định mua trọn bản sách nói này và cả một số đầu sách nói khác. “Tôi vốn khá e dè với sách nói bởi cho rằng nó không thể thay được mình trực tiếp đọc sách. Nhưng nghe thử mới thấy, sách nói không thay thế mà là hỗ trợ, cung cấp một cách cảm nhận khác về tác phẩm, gần giống như cách ta nghe một vở kịch truyền thanh vậy”.

Còn nhiều “đất dụng võ”

Trước đây, trào lưu đọc sách điện tử (ebook) xuất hiện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sách điện tử có phần tiện hơn vì không phải mang vác cồng kềnh, cũng như giá thành rẻ hơn so với sách giấy. Riêng với sách nói, người dùng có thể tìm đến loại hình này vì sự hiếu kỳ, nhưng sẽ ở lại vì những trải nghiệm đặc biệt. Đối với người làm việc văn phòng, sách nói giúp người yêu sách được thỏa mãn đam mê và giảm áp lực cho đôi mắt.

Bên cạnh đó, sách nói còn là niềm an ủi tinh thần cho những người xa xứ. Nhiều du học sinh tâm sự rằng khi ở nước ngoài, chỉ cần thoáng nghe thấy một giọng nói quê hương thôi thì cảm giác thân thương và nhớ nhà đã dâng trào. Vì thế, sách tiếng Việt, giọng đọc Việt như một người bạn thủ thỉ và đồng hành khi ở đất khách quê người.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ giọng đọc AI (trí tuệ nhân tạo), việc tự động hóa trong quy trình sản xuất giúp giảm chi phí và thời gian phát hành sách nói. Nhờ đó, số lượng sách nói đang tăng lên với đa dạng thể loại, đáp ứng được nhiều nhu cầu của thính giả. Mặt khác, việc giảm chi phí sản xuất cũng giúp giảm giá thành cho người sử dụng. Trong một số trường hợp, việc mua tài khoản nghe sách được cho là tiết kiệm chi phí hơn so với mua sách giấy.

Tuy nhiên, việc sử dụng AI vẫn còn nhiều điều cần cải thiện để nâng cao chất lượng giọng đọc. Hiện giọng AI được đánh giá là chỉ phù hợp với các tài liệu khoa học, sách self-help (tự phát triển bản thân) và các nội dung có tính chất phi hư cấu. Còn những thể loại đặc thù khác như tiểu thuyết, trinh thám..., vẫn cần được thổi hồn bởi giọng đọc truyền cảm của những voice talent chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự “góp mặt” của giọng đọc AI, giúp tạo ra nhiều cơ hội lớn cho thị trường sách nói. Đồng thời, nguồn sách nói khổng lồ cũng đóng vai trò như một thư viện số, cho phép người dùng dễ dàng tìm nghe những tựa sách không còn xuất bản trên thị trường.

Khi công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta càng có thêm nhiều lựa chọn. Dù nhằm học tập, giải trí hay bất kỳ lý do nào, việc đọc sách vẫn luôn có giá trị và ý nghĩa riêng. Sự thay đổi của xã hội không làm những giá trị ấy mất đi, mà nó luôn hiện hữu và len lỏi vào cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.

HỒNG ÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ai-co-hoi-lon-cho-thi-truong-sach-noi-post789593.html
Zalo