Ai 'bảo kê niềm tin' cho Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục?
Từ truyền cảm hứng, Quang Linh và Hằng Du Mục trở thành bị can hình sự, cảnh tỉnh về trách nhiệm và đạo đức của KOLs trong kỷ nguyên số.
Từ nhân vật truyền cảm hứng đến cú ngã niềm tin
Không còn "cảnh báo", không còn "rút video là xong", không còn "xin lỗi cho qua".
Ngày 3/4/2025, hai cái tên từng được "phong thần" trên mạng xã hội - Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố hình sự.
Cú ngã của Quang Linh và Hằng Du Mục không phải "tai nạn nghề nghiệp". Đó là hệ quả tất yếu của một chuỗi hành vi bất chấp pháp luật, sống dựa vào ảo ảnh hình tượng.
Họ không phải nạn nhân của truyền thông. Khi danh tiếng được quy đổi thành tiền, khi lòng tin bị bán sỉ trong mỗi livestream, mỗi video "review có tâm" - họ là người chủ động sử dụng hình ảnh tích cực để tạo vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh phi pháp.

Quang Linh Vlogs, Thùy Tiên, Hằng Du Mục quảng cáo thổi phồng công dụng của kẹo rau Kera.
Kẹo Kera không phải là viên kẹo đầu tiên được "thần thánh hóa" bởi người nổi tiếng. Nhưng nó là viên kẹo đầu tiên đưa người nổi tiếng ra vòng tố tụng hình sự.
Cả Quang Linh và Hằng Du Mục đều là minh chứng sống cho một thế hệ người nổi tiếng kiểu mới - nơi thành công không cần qua trường lớp, không qua sân khấu lớn hay truyền hình quốc gia, mà chỉ cần một chiếc smartphone, gimbal, giọng nói dễ thương, và một câu chuyện "truyền cảm hứng".
Không ai cấm Quang Linh khởi nghiệp - người trẻ cần được khuyến khích dấn thân. Nhưng người ta có quyền thất vọng khi anh chọn dùng hình ảnh "người tử tế" làm vỏ bọc để tiếp thị một sản phẩm thiếu minh bạch, lừa gạt người tiêu dùng bằng niềm tin.
Một viên kẹo có hàm lượng chất xơ ít ỏi, chứa chất sorbitol có thể gây rối loạn tiêu hóa lại được thổi phồng thành "đột phá dinh dưỡng hiện đại" bởi những gương mặt từng được gắn mác tử tế.
Độ tin cậy trong quảng cáo không đến từ sản phẩm mà đến từ hình ảnh cá nhân được xây dựng công phu suốt nhiều năm trước đó.
Và đáng tiếc, phía sau "nụ cười truyền cảm hứng" không phải là lý tưởng phục vụ cộng đồng mà là một tổ hợp hành vi: Sản xuất hàng giả - quảng cáo sai sự thật - lừa dối người tiêu dùng. Một mô hình làm giàu bằng cách đạp lên lòng tin công chúng.
"Chốt đơn" lòng tin, "ship" về sự lừa dối
Nhiều năm qua, dư luận đã quá quen với trò lừa mang tên "KOLs, nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm hỗ trợ sức khỏe". Hết nghệ sĩ A trị mất ngủ, lại đến KOL B hỗ trợ xương khớp, diễn viên C trị dạ dày, hoa hậu D tăng đề kháng... Những gương mặt nổi tiếng thi nhau "gật đầu", "mỉm cười", "cam kết chính mình đã dùng", để rồi sau đó rút lui êm đẹp, phủi tay với hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Quyền Linh, Hồng Vân, Cát Tường,… từng bị chỉ trích nặng nề vì quảng cáo lố các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Họ xin lỗi, gỡ bài, "rút kinh nghiệm".
Và rồi… mọi thứ chìm xuồng. Không có án phạt nghiêm minh. Không có chế tài răn đe. Không có ai đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng. Còn khán giả? Vẫn thấy họ trên gameshow, "truyền cảm hứng". Các nhãn hàng vẫn tranh thủ khai thác hình ảnh "từng lỡ dại" như thể chưa từng có điều gì xảy ra.

Thời gian qua, một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm sai sự thật gây bức xúc dư luận.
Chúng ta đã quá dễ dãi với người nổi tiếng. Và chính sự dễ dãi ấy tiếp tay cho những cú lừa triệu view. Chính sự im lặng ấy đã dung dưỡng một hệ sinh thái kiếm tiền trên lòng tin công chúng.
Cho đến vụ Kera, mọi thứ đã thay đổi. Quang Linh và Hằng Du Mục không chỉ mất hình ảnh. Họ mất tự do. Từ "người truyền cảm hứng" họ trở thành bị can hình sự, từ hình mẫu trên mạng xã hội, họ trở thành ví dụ sống động cho một chân lý không đổi: Không ai - dù nổi tiếng đến đâu được phép đứng ngoài pháp luật.
Cú ngã của Quang Linh và Hằng Du Mục không chỉ là cái kết của vụ kẹo Kera. Đó là đòn cảnh cáo pháp lý cho toàn bộ giới KOLs đang hành nghề bất chấp. Những người đang sống bằng công thức: Review + hiệu ứng + niềm tin công chúng = tiền.
Pháp luật là ranh giới, ai vượt qua, phải trả giá.. Nhưng nếu muốn dọn sạch môi trường mạng, chúng ta cần nhiều hơn một bản án. Chúng ta cần một khung pháp lý chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm người có ảnh hưởng trên không gian mạng.
Không thể để KOLs "tự do hành nghề" như thể mạng xã hội là chợ trời vô chủ. Không thể để doanh nghiệp dễ dàng thuê một gương mặt hot rồi "tô hồng" sản phẩm bằng những lời nói vô trách nhiệm. Và cũng không thể để truyền thông, mạng xã hội trở thành nơi đạo đức giả mặc áo thiện lương, nơi danh tiếng được định giá cao hơn sự tử tế.
Quy định pháp luật phải được cập nhật theo kỷ nguyên số. KOLs cần được định danh, cấp phép hoạt động theo tiêu chuẩn đạo đức giống như bác sĩ, luật sư, nhà báo.
Bởi KOLs ngày nay là những người dẫn dắt hành vi tiêu dùng, định hình lối sống, thậm chí tác động tới quyết định sức khỏe, tâm lý và thói quen chi tiêu của hàng triệu người.
Đó là quyền lực mềm đáng sợ nhất của thời đại số và nếu quyền lực đó bị lợi dụng, hoặc tự nguyện "bán mình" cho quảng cáo sai sự thật thì hậu quả không dừng ở một viên kẹo giả.
Hôm nay là "viên kẹo thay rau". Ngày mai có thể là thực phẩm giảm cân chứa chất cấm. Ngày kia là thuốc "trị ung thư" chưa được kiểm định. Ngày khác nữa là vaccine giả, phương pháp chữa bệnh phi khoa học, hoặc đơn giản là một lời khuyên sai lệch khiến ai đó từ chối điều trị.
Truyền cảm hứng không sai. Kiếm tiền từ mạng xã hội không sai. Nhưng phải trung thực, phải có trách nhiệm với niềm tin cộng đồng.
Sau Quang Linh và Hằng Du Mục, ai là người tiếp theo? Không ai biết... Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu KOLs vẫn tiếp tục đặt doanh số lên trên lương tri, đặt hợp đồng quảng cáo lên trên sự thật thì danh sách "rơi đài" sẽ không dừng lại ở đây.