AHLĐ - HLV Mai Đức Chung: Phải luôn nhớ phía sau lưng chúng ta là Tổ quốc



Hà Nội, một ngày se lạnh vì mưa rét. Những con đường phủ một lớp sương mỏng, người ta co ro trong những chiếc áo dày, tay vội vã xoa vào nhau tìm chút hơi ấm. Ở một góc nhỏ ven hồ, một quán trà cũ kỹ vẫn mở cửa như bao năm qua. Bên trong, người đàn ông ấy ngồi đó - dáng cao gầy, mái tóc đã lốm đốm bạc, đôi mắt ẩn sau những vết chân chim hằn sâu vì thời gian.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung nhấp một ngụm trà nóng, làn khói bốc lên, quện vào ánh mắt xa xăm như ôm trọn cả quãng đời gắn bó với bóng đá. Trước mặt ông là những người bạn đồng niên thân thiết, những người đã cùng ông đi qua bao tháng năm. Không ai trong số họ nói về những chiến thắng, những chiếc cúp hay những trận đấu hào hùng. Họ chỉ kể cho nhau nghe những câu chuyện bình dị của cuộc sống, về một mùa hoa sữa nở sớm, một quán phở cũ vừa mới đóng cửa, hay chỉ đơn giản là một kỷ niệm đã cũ nhưng vẫn nguyên vẹn trong lòng.

Người đàn ông ấy, dù đã đưa bóng đá nữ Việt Nam lên những đỉnh cao vinh quang, nhưng khi ngồi đây, giữa những người bạn tri kỷ, ông chỉ là một người bình thường như bao người khác. Ông không nhắc về những danh hiệu, những lần đội tuyển bước lên bục vinh quang, mà chỉ nhẹ nhàng nói: “Tôi may mắn khi được làm công việc mình yêu. Nhưng có một điều còn quý hơn cả chiến thắng, đó là được nhìn thấy các học trò trưởng thành, được thấy họ vững vàng bước đi trên con đường mình đã chọn”.

Hơn ba mươi năm trước, khi bóng đá nữ Việt Nam còn chập chững những bước đi đầu tiên, không nhiều người tin vào một tương lai tươi sáng. Nhưng ông tin, khi sứ mệnh ấy được đặt vào tay.
Lật lại trang sử bóng đá nữ Việt Nam, người ta thấy đầy rẫy những khó khăn, những giọt mồ hôi rơi trên sân cỏ hoang sơ, những lần tập luyện trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Ngày mới thành lập, đội tuyển nữ quốc gia thậm chí còn không có nổi một sân tập đạt chuẩn, các cầu thủ phải đá trên những mặt sân gồ ghề, không có giày chuyên dụng, không có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Thế nhưng, trong nghịch cảnh ấy, thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn kiên cường bước đi, từng chút một chạm đến ánh sáng vinh quang.
Dưới sự dẫn dắt của ông, đội tuyển nữ Việt Nam đã 8 lần vô địch SEA Games, giành nhiều danh hiệu Đông Nam Á và đặc biệt là tấm vé lịch sử tham dự World Cup 2023 - một cột mốc vàng son đánh dấu sự trưởng thành của bóng đá nữ nước nhà. Nhưng để có được những chiến tích ấy, họ đã phải đi qua biết bao thử thách khắc nghiệt.
Nhiều người vẫn nhớ mãi hình ảnh ông trong những buổi tập, đội chiếc mũ lưỡi trai đã bạc màu, lặng lẽ đứng bên đường biên, đôi mắt sắc sảo nhưng ấm áp dõi theo từng bước chạy của học trò. Trời nắng, ông tất tả nhắc các cô uống nước, che chắn cho họ khỏi cái nóng bỏng rát. Ngày mưa, ông vẫn đứng đó, chiếc áo mưa mỏng manh không đủ che đi tấm lưng gầy đang dần ướt sũng.

“Thầy Chung không chỉ dạy bóng đá, thầy dạy chúng tôi cách làm người.” - một cựu tuyển thủ từng nói như vậy.
Trong những lần hội quân, trước mỗi giải đấu lớn, ông thường kể cho các học trò nghe câu chuyện về bó đũa: “Một chiếc đũa đơn lẻ thì dễ gãy, nhưng cả một bó đũa nắm chặt lại thì không ai có thể bẻ gãy được. Các con cũng vậy, khi ra sân, không ai chỉ đá cho riêng mình. Các con đá cho đồng đội, cho tập thể, cho cả màu cờ Việt Nam trên ngực áo. Chỉ cần đoàn kết, dù đối thủ có mạnh đến đâu, chúng ta cũng sẽ tìm ra cách vượt qua”.
Với ông, một cầu thủ giỏi không chỉ cần kỹ thuật tốt mà còn phải có một tinh thần mạnh mẽ. Ông dạy các cô gái của mình cách đứng dậy sau thất bại, cách giữ đôi chân trên mặt đất khi vinh quang đến, và quan trọng nhất - cách yêu thương và trân trọng những gì mình đang có.
Có những trận đấu đội tuyển nữ Việt Nam bị dẫn trước, có những giây phút tưởng chừng như bị vắt kiệt sức, nhưng rồi họ vẫn đứng lên, vẫn kiên cường chiến đấu. Vì họ biết rằng phía sau mình luôn có đồng đội, có thầy, có cả một niềm tin lớn lao đang dõi theo từng bước chạy của họ.
“Phải luôn nhớ phía sau lưng chúng ta là Tổ quốc” - ông nói.

Tháng 2/2024, giữa tiếng vỗ tay vang dội của khán phòng trang trọng, cái tên Mai Đức Chung một lần nữa được xướng lên - lần này không chỉ là một huấn luyện viên xuất sắc, mà còn là một Anh hùng Lao động. Một danh hiệu cao quý dành cho những cống hiến không biết mệt mỏi của ông với bóng đá nữ Việt Nam.
Nhưng giữa ánh hào quang rực rỡ ấy, ông vẫn chỉ cười hiền, ánh mắt xa xăm như nghĩ về những ngày tháng cũ. Khi cầm tấm Huân chương trên tay, ông chỉ nói một câu giản dị: “Tôi không có công lao gì lớn cả, danh hiệu này là của các học trò tôi, của cả một tập thể đã cùng nhau chiến đấu, của những người hâm mộ đã luôn yêu thương bóng đá nữ. Và hơn hết, đó là danh hiệu của tình yêu nước, của khát vọng cống hiến mà bất kỳ ai khoác lên mình màu áo Việt Nam cũng đều mang trong tim”.
Dẫu vậy, ở một góc nhỏ trong lòng, ông vẫn có một chút chạnh lòng…
Bóng đá nữ Việt Nam đã đứng trên những đỉnh cao, đã mang về bao tấm huy chương, bao khoảnh khắc vinh quang làm rưng rưng triệu con tim. Nhưng đôi khi, những cô gái kiên cường ấy vẫn chưa nhận được sự quan tâm và khích lệ đủ đầy như bóng đá nam. Có những trận đấu, khán đài vẫn lặng lẽ những hàng ghế trống. Có những cầu thủ, sau ánh hào quang sân cỏ, vẫn chật vật với cuộc sống mưu sinh.
Ông không trách, không oán. Chỉ là đôi khi, giữa những đêm muộn, khi nhìn lại chặng đường đã qua, ông vẫn mong có một ngày, bóng đá nữ sẽ nhận được sự trân trọng trọn vẹn, xứng đáng với những giọt mồ hôi và nước mắt mà các cô gái đã đổ xuống sân cỏ.
Rồi ông lại cười - nụ cười hiền từ như bao năm qua. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng, tình yêu với bóng đá, với những cô học trò nhỏ bé mà kiên cường, chính là động lực để ông tiếp tục bước tiếp. Và chỉ cần còn một người yêu mến, còn một trái tim đập rộn ràng vì bóng đá nữ, thì ông vẫn sẽ ở đó - lặng lẽ, tận tụy, như cả một đời ông vẫn vậy.

Dành cả cuộc đời cho bóng đá, nhưng ông chưa bao giờ quên rằng sau mỗi trận đấu, sau mỗi chuyến hành trình xa xứ, vẫn có một ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp luôn chờ đợi ông trở về.
Gia đình - nơi có người vợ yêu thương tảo tần, lặng lẽ gánh vác mọi lo toan để ông yên tâm theo đuổi đam mê. Nơi có những đứa con lớn lên trong những năm tháng thiếu vắng người cha, nhưng chưa một lần trách móc, chỉ lặng lẽ tự hào khi nhìn thấy hình ảnh người cha thân yêu trên truyền hình, trên những sân cỏ rực lửa.

Bên ngoài quán trà nhỏ, trời đã ngả chiều. Ông rời đi, dáng đi vẫn khoan thai như bao năm qua. Những chiến tích vẫn còn đó, những cống hiến vẫn còn được nhắc mãi, nhưng với ông, điều quan trọng nhất vẫn là những điều bình dị: Một tách trà nóng, những câu chuyện bên bạn bè, và một mái ấm chờ ông trở về.
Có những con người sinh ra không để tìm kiếm hào quang, mà để lặng lẽ thắp sáng con đường cho người khác. HLV Mai Đức Chung chính là một người như thế - cả một đời tận hiến, cả một đời yêu thương, như một cây cổ thụ lặng lẽ tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau.

Thanh Thảo
Đồ họa: Hồng Thịnh
Thanh Thảo - Hồng Thịnh