Afghanistan 'mắc kẹt' trong khó khăn

Khó khăn của Afghanistan không chỉ bắt nguồn từ khủng hoảng khí hậu, nó còn là sự kết hợp giữa xung đột và nạn phá rừng.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng khi lũ lụt tràn qua một thị trấn ở tỉnh Ghor của Afghanistan. Nguồn: Guardian.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng khi lũ lụt tràn qua một thị trấn ở tỉnh Ghor của Afghanistan. Nguồn: Guardian.

Sự kết hợp của nhiều yếu tố

TS Najibullah Sadid - một nhà nghiên cứu môi trường và chuyên gia về tài nguyên nước có trụ sở tại Đức cho biết, điều quan trọng là các bên tham chiến phải chịu trách nhiệm nhiều hơn vì đạn pháo độc hại thường bị bỏ lại và gây hại cho môi trường. Thuốc nổ có thể gây hại cho hệ sinh thái, phá vỡ đa dạng sinh học và làm suy yếu cấu trúc đất, đồng thời có thể gây hại cho nguồn nước ngầm.

Theo báo cáo của tạp chí Progressive, Mỹ đã thả hơn 85.000 quả bom xuống Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2021. Tại những nơi có nhiều bom như tỉnh Nangarhar, các nhà khoa học đã phát hiện năng suất cây trồng giảm một nửa do sự phát tán của độc tố. Những độc tố như vậy cũng có thể được gió hoặc nước mang đến các khu vực khác.

Ô nhiễm “ngầm” lại là một vấn đề khác. Tính đến năm 2021, chỉ có một trong 34 tỉnh của Afghanistan từng được tuyên bố là không còn bom mìn. 33 tỉnh còn lại vẫn còn rải rác bom mìn. Mặc dù vậy, nguồn tài trợ cho lĩnh vực rà phá bom mìn của quốc gia này đã giảm, từ 113 triệu đô la vào năm 2011 xuống còn 32 triệu USD vào năm 2020.

Việc Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8/2021 đã đe dọa các nguồn tài trợ này hơn nữa, vì nhiều nhà tài trợ vẫn còn ngần ngại hợp tác với chính phủ mới, mặc dù điều kiện hoạt động đã được cải thiện và khả năng tiếp cận cũng tăng đối với các địa điểm trước đây không thể tiếp cận được. Theo Cơ quan rà phá bom mìn của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 45.000 thường dân Afghanistan đã thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn kể từ năm 1989.

Nạn phá rừng do xung đột cũng làm lũ quét trở nên tồi tệ hơn. Năm 1970, Afghanistan có 2,8 triệu hecta rừng, bao phủ 4,5% diện tích đất nước. Đến năm 2016, diện tích này đã giảm xuống còn khoảng 1,5%. Tại Nuristan - một tỉnh ở miền đông Afghanistan, diện tích rừng đã giảm 53% trong thời gian đó. “Thực vật giữ lại rất nhiều nước mưa. Vì vậy khi không có rừng, đất đai sẽ bị lở và dòng chảy tăng lên. Đó là lý do tại sao hiện nay chúng ta thấy lũ quét cực kỳ nghiêm trọng xảy ra ở một số vùng của Afghanistan” - TS Sadid nói.

Đối với ông Sayed Abdul Baset - một chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai sống tại tỉnh Herat, vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến các gia đình. Ông Baset cho biết, vẫn còn cơ hội để đoàn kết và huy động bất chấp những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. “Những thảm họa thiên nhiên này liên quan đến các hoạt động của đất đai. Chúng cho thấy nhà cửa không an toàn như thế nào, khả năng ứng phó và hệ thống cảnh báo sớm yếu kém ra sao. Đây là một bức tranh rất đau thương, nó không khác gì một cuộc chiến tranh” - ông Baset nói.

Tìm giải pháp cứu trợ

Trận lũ lụt tại thành phố Baghlan của Afghanistan vào tháng 5 năm nay đã khiến ít nhất 315 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy. Khoảng 1.600 người bị thương và hàng trăm người khác mất tích. Lũ quét cũng tàn phá các tỉnh khác trên khắp Afghanistan, với ít nhất 50 người thiệt mạng ở Ghor.

Với các khoản đóng góp tài chính được thu thập từ cộng đồng người Afghanistan ở nước ngoài và các nhà tài trợ ở nước ngoài, tổ chức cơ sở của cô Sohila Akbari -người đã điều hành các nỗ lực nhân đạo với tư cách là một phần của nhóm gồm 12 phụ nữ từ hơn 10 năm trước, thường xuyên phân phát hàng cứu trợ khẩn cấp như thực phẩm, quần áo và lều trại cho những người nghèo nhất và bị thiên tai của thành phố.

“Tôi bắt đầu tương tác với những người đang vật lộn với công việc giáo viên của mình. Dần dần, tôi bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm những cách khác để giúp đỡ. Kể từ đó, tôi đã kết nối với những người Afghanistan trên khắp nơi để cố gắng đưa công việc tiến xa hơn” - cô Akbari nói.

Bản thân cô Akbari cũng là nạn nhân của loạt trận động đất tàn khốc xảy ra ở Herat vào tháng 10/2023, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. “Đó là một ngày rất kinh hoàng. Chúng tôi đã không trải qua một trận động đất nào trong nhiều năm. Tất cả chúng tôi đều bất ngờ” - cô Akbari nói.

Nhà báo Laurie Goering tại Context News cho biết, thông qua những người dân địa phương như Akbari, những người đã quen thuộc với những người bị ảnh hưởng, thì viện trợ mới có thể đạt được kết quả thành công nhất. “Đây là câu hỏi lớn đối với hoạt động tài chính khí hậu hiện nay. Làm thế nào để thực sự chuyển số tiền lớn như vậy từ các chính phủ và tổ chức đến những người phụ nữ ở Afghanistan? Tận dụng các hệ thống, người dân địa phương và tìm kiếm các nhóm trung gian để đưa nhiều tiền hơn đến nơi cần thiết là điều thực sự quan trọng” - bà Goering nói.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, xung đột quy mô lớn đã giảm đáng kể. Theo Trung tâm Giám sát di dời nội địa, không có vụ di dời do xung đột mới nào được ghi nhận vào năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn 1,5 triệu người phải di dời trong nước do thiên tai.

Theo một báo cáo, trong số các quốc gia có thu nhập thấp, Afghanistan là nước đứng thứ hai về số ca tử vong do thiên tai gây ra trong giai đoạn 1980 - 2015. Tuy nhiên, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa như lũ quét đang gia tăng và sự cố khí hậu không phải yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm cho những thay đổi này. Lịch sử xung đột vũ trang của đất nước đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/afghanistan-mac-ket-trong-kho-khan-10290532.html
Zalo