ADB ước đạt tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025, theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9 được công bố hôm nay (25/9).

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.”

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB phân tích, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn.

Về phía cầu, chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng hiện đang ở mức thấp. Đầu tư công sẽ có vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024.

“Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với lĩnh vực bất động sản - là một lĩnh vực chính của tiêu dùng trong nước trước đây. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn tương đối yếu trong giai đoạn 2024 – 2025”, ông Hùng nhận định.

Một vấn đề được Báo cáo đề cập đó là thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực sẽ là động lực tăng trưởng chính. Trong tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu đã có sự phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với mức nền thấp của tám tháng đầu năm 2023. Sự bất ổn trong việc tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã tác động tới triển vọng thương mại. Xuất - nhập khẩu có thể tăng hơn 10% trong năm nay và cao hơn một chút vào năm tới, với sự phục hồi dần của nhu cầu bên ngoài.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại gia tăng dự kiến sẽ giúp cán cân vãng lai duy trì thặng dư ước tính vào khoảng 2,0% GDP trong năm 2024. Hoạt động sản xuất phục hồi thúc đẩy nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ thu hẹp ở mức 1,5% GDP vào năm 2025.

Theo ADB, ngân sách nhà nước dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ vào cuối năm 2024. Quốc hội đã thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến hết năm 2024. Chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ tiếp tục, mặc dù việc thực hiện chi tiêu từ ngân sách vẫn chậm. Các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

Dự báo lạm phát của Việt Nam trong báo cáo ADO tháng 4/2024 được giữ nguyên trong hai năm 2024 và 2025. Mặc dù lạm phát tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2024, lạm phát dự báo vẫn ở mức 4,0% cho cả năm 2024 và 2025. Các yếu tố như tăng lương và điều chỉnh giá có sự kiểm soát của chính phủ dự kiến sẽ đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giảm bớt một số áp lực lên lạm phát. Đến cuối tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hùng nói: "Lạm phát trung bình trong 8 tháng đầu năm là 4,0%, cao hơn mức 3,1% cùng kỳ năm trước. Lạm phát dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024, bất chấp việc tăng lương cơ bản có hiệu lực vào tháng 7".

Báo cáo cũng nêu bật nhiều sự bất ổn định đáng kể đối với triển vọng. Trong nước, nền kinh tế thực tiếp tục cho thấy những yếu kém đối với nền tảng cấu trúc cơ bản của nó. Cầu nội địa yếu đòi hỏi phải thực hiện mạnh hơn các biện pháp kích thích tài khóa. Bên ngoài, triển vọng kinh tế phục hồi chậm có thể tiếp tục hạn chế nhu cầu, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm. Xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng do dịch chuyển thương mại từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm như hàng may mặc, dệt may và điện tử, cũng như rủi ro từ căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa. Mặc dù NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ, song năng lực thực hiện chính sách này đã bị hạn chế đáng kể.

“Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế”, ADB nhấn mạnh

Nhuệ Mãn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/adb-uoc-dat-tang-truong-gdp-nam-2024-cua-viet-nam-dat-60-post354548.html
Zalo