ADB nhận định về tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ đến kinh tế Việt Nam

Theo quan điểm của chuyên gia ADB, các quyết định đầu tư FDI được đưa ra dựa trên đánh giá về triển vọng dài hạn, tuy nhiên khi có cú sốc lớn xảy ra, tâm lý của họ trước tiên sẽ là chờ đợi để đánh giá.

Trong cuộc họp báo công bố về triển vọng kinh tế Việt Nam ngày hôm nay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Đồng thời, ADB cũng đưa ra một số đánh giá về tác động của biện pháp thuế quan Mỹ lên đầu tư FDI.

 Chuyên gia ADB trong cuộc họp báo ngày hôm nay - Ảnh: NGỌC DIỆP

Chuyên gia ADB trong cuộc họp báo ngày hôm nay - Ảnh: NGỌC DIỆP

Biện pháp thuế quan của Mỹ tạo ra thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, chuyên gia ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng – khi các dự báo này được tính toán trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế quan.

“Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, nhận định.

 Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty - Ảnh: NGỌC DIỆP

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty - Ảnh: NGỌC DIỆP

“Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay”, Giám đốc quốc gia ADB băn khoăn.

Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB, ông Nguyễn Bá Hùng, thời gian qua Chính phủ đã có những biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phê duyệt nhiều luật đưa ra động thái thuận lợi hơn cho hoạt động kinh tế đầu tư. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh dạn, đây là những yếu tố tích cực.

Hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm trong năm 2023, sang đến năm 2024 có tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, đến năm 2025 sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì tăng trưởng như vậy, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB băn khoăn.

Chuyên gia ADB lo lắng leo thang thuế quan và các biện pháp đáp trả thuế quan leo thang dẫn đến sự phân mảnh thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng quay trở lại.

Chuyên gia ADB sau đó chia sẻ ba thông điệp chính về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm:

Triển vọng kinh tế bất ổn cao, các đánh giá cẩn trọng sẽ phải xét đến những rủi ro lớn về thuế quan. Cải cách thể chế sâu rộng giúp tăng tính hiệu quả của Chính phủ và giảm thiểu ảnh hưởng bằng cách gia tăng cầu nội địa.

Rủi ro chính ở bên ngoài xuất phát từ những bất ổn của môi trường toàn cầu, việc leo thang thuế quan, căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và sự suy giảm của đối tác thương mại lớn. Các yếu tố này hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện hiệu quả các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng, gồm cả đầu tư công, sẽ là biện pháp trọng yếu nhằm duy trì tăng trưởng và tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

 Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Nguyễn Bá Hùng - Ảnh: NGỌC DIỆP

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Nguyễn Bá Hùng - Ảnh: NGỌC DIỆP

Tác động từ biện pháp thuế quan lên đầu tư FDI

Đánh giá về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam phản ứng với động thái thuế quan vừa rồi, nhìn từ khía cạnh tích cực, ông Nguyễn Bá Hùng nhận xét: Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh, có thể đã có sự chuẩn bị.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ là “một vế” của sự đàm phán, các phản ứng của phía Mỹ cho đến hiện tại, nhìn qua các phương tiện thông tin đại chúng, dường như chưa sẵn sàng đàm phán với Việt Nam. Chính vì vậy cần thêm thời gian để theo dõi.

Tuyên bố từ phía Mỹ về việc tỉ suất thuế 0% là đủ hay không đủ chỉ là những khẳng định ban đầu, chỉ khi ngồi vào đàm phán mới biết họ thực sự cần gì, chuyên gia ADB phân tích.

Nhận xét về diễn biến đồng nội tệ Việt Nam dưới sự ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan Mỹ trong những ngày gần đây, ông Hùng chỉ ra tỉ giá đồng nội tệ đã có những phản ứng với các tin tức mới về thuế quan từ Mỹ.

Tuy vẫn còn sớm để đánh giá, nhưng nhìn chung, trong xu thế các đồng nội tệ châu Á biến động không quá mạnh, có lý do để tin tưởng thị trường ngoại hối sẽ biến động ổn định. Dù vậy, cũng vẫn cần phải cẩn trọng với những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối.

Trong quý 1-2025, đã có những dấu hiệu tích cực của đầu tư công, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa kích thích tăng trưởng nếu các biện pháp giải ngân được thực thi hiệu quả.

Nhận định về tác động của các tác động thuế quan Mỹ lên diễn biến dòng vốn FDI, Giám đốc Quốc gia ADB – ông Shantanu Chakraborty- cho rằng sẽ cần thêm thời gian để theo dõi diễn biến của dòng vốn FDI, bởi sự dịch chuyển của dòng vốn FDI cần đến thời gian để đánh giá sức cạnh tranh của Việt Nam so sánh với các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác trong khu vực.

Châu Á là đầu tầu kinh tế của thế giới, Việt Nam là một điểm đến năng động của khu vực. Đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu này để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ.

Việt Nam cũng đã khá thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lạm phát có thể hơi tăng một chút nhưng còn rất nhiều công cụ tiền tệ khác nữa để ổn định thị trường tiền tệ, theo quan điểm của Giám đốc quốc gia ADB, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn điều hành tốt chính sách ngoại hối.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/adb-nhan-dinh-ve-tac-dong-tu-chinh-sach-thue-moi-cua-my-den-kinh-te-viet-nam-post843322.html
Zalo