ACB tái bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát làm tổng giám đốc

Ông Từ Tiến Phát cùng ban lãnh đạo đã lèo lái ACB liên tục có những bước tiến ấn tượng trong suốt những năm vừa qua.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có nghị quyết tái bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát giữ chức vụ tổng giám đốc nhiệm kỳ ba năm (2025-2028) kể từ ngày 14/01/2025.

Ông Từ Tiến Phát được tái bổ nhiệm làm tổng giám đốc ACB nhiệm kỳ 2025-2028. Ảnh: ACB

Ông Từ Tiến Phát được tái bổ nhiệm làm tổng giám đốc ACB nhiệm kỳ 2025-2028. Ảnh: ACB

Ông Phát sinh năm 1974 và đã có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và chính thức gia nhập ACB từ năm 1996.

Ông Phát đã từng trải qua các vị trí tại ACB như: Phó phòng tín dụng, Giám đốc chi nhánh, Phó giám đốc, Giám đốc khối khách hàng cá nhân từ năm 2015.

Trước khi giữ vị trí Tổng giám đốc ACB vào tháng 01/2022, ông Phát là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB từ năm 2015. Ông Phát cũng từng là thành viên đại diện cho ACB tham gia quản trị tại Ngân hàng Đại Á.

Hành trình lèo lái ACB

Là một trong những “trợ thủ” đắc lực của Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy, ông Phát cùng ban lãnh đạo đã lèo lái ACB liên tục có những bước tiến ấn tượng trong suốt nhiều năm vừa qua.

Chỉ tính riêng ba năm vừa qua, ACB liên tục những con số tăng trưởng đều đặn qua từng quý.

Tổng tài sản tăng gần gấp rưỡi từ 528.700 tỷ đồng quý I/2022, lên gần 780.000 tỷ đồng cuối năm 2024. Kéo theo đó là các chỉ tiêu kinh doanh cốt lõi như cho vay, tiền gửi cũng tăng liên tục qua từng quý.

Tính tới nay, ACB được ghi nhận là một trong những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro và tuân thủ các nguyên tắc thận trọng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hệ thống quản trị này không chỉ giúp ACB kiểm soát chặt chẽ các rủi ro mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tốc độ tăng trưởng an toàn và ổn định trong nhiều năm qua.

Dự kiến đến cuối năm 2024, tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) của ACB tiếp tục duy trì trên 12%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Hệ số rủi ro đối với tài sản được kiểm soát ổn định ở mức khoảng 70%, nằm trong nhóm thấp nhất ngành.

Mới đây, ACB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng của ACB đạt hơn 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn nền kinh tế là 15%.

Đáng chú ý, 90% danh mục cho vay thuộc khách hàng bán lẻ, trong khi tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật 24%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2024 chỉ ở mức 1,39% (không bao gồm CIC), duy trì vị thế là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành.

Kể cả với dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02, ban lãnh đạo ACB cho biết chỉ khoảng 1.300 tỷ đồng.

Huy động vốn của ACB cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với tổng quy mô huy động, bao gồm phát hành giấy tờ có giá, đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3%, và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện lên mức 23%.

Những thành tựu nổi bật trong năm 2024 đã giúp ACB nhận được sự ghi nhận tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và trong nước. Các đánh giá này phản ánh rõ khả năng sinh lời bền vững, hiệu quả quản trị rủi ro và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.

Fitch Ratings, một trong những tổ chức tín nhiệm hàng đầu thế giới, đã nâng triển vọng của ACB từ "Ổn định" lên "Tích cực". Điều này thể hiện niềm tin vào sự cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng trong 12-18 tháng tới, nhờ vào môi trường kinh tế thuận lợi, quy trình thẩm định chặt chẽ và các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Bên cạnh đó, Moody's và tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập FiinRatings cũng ghi nhận năng lực sinh lời ổn định và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ACB.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/acb-tai-bo-nhiem-ong-tu-tien-phat-lam-tong-giam-doc-d38681.html
Zalo