ABS nêu 2 kịch bản cho VN-Index năm 2025 với chiến lược giao dịch năng động
Với kịch bản tích cực là chủ đạo, ABS đề xuất chiến lược 'giao dịch năng động' với nhà đầu tư cá nhân, ưu tiên đầu tư các cổ phiếu mạnh, nhưng cần chú ý hạ tỷ trọng khi thị trường tăng tới mức biên độ đề xuất trong kịch bản.
Năm 2025, ABS nhận thấy triển vọng kinh tế có sự bứt phá mạnh mẽ khi tiến vào kỷ nguyên mới, lãi suất toàn cầu trong đà giảm và lãi suất VND vẫn duy trì ở mức thấp, xuất nhập khẩu phục hồi, lạm phát và tỷ giá trong khả năng kiểm soát của chính phủ. Bên cạnh đó, đầu tư công giải ngân mạnh, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI, tăng trưởng tín dụng cải thiện, nhiều cải cách thể chế được thực hiện...
ABS dự báo năm 2025, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết sẽ hồi phục 17,8% so với cùng kỳ, nhờ cả tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận, giúp định giá thị trường được nâng lên.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index hiện đang giao dịch với P/B cao hơn trung bình, nhưng P/E lại thấp hơn trung bình. Điều đó phản ánh thực tế hiệu suất sử dụng vốn ROE của VN-Index cao nhất trong khu vực, trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index vẫn ở mức tích cực.
Nhóm phân tích đã đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong năm 2025, trong đó kịch bản tích cực được ưu tiên.
Trong kịch bản tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực. Chỉ số chính dự báo tăng trưởng với các ngưỡng kỳ vọng 13% - 16% - 21% so với vùng đáy 1.165 – 1.198 điểm.
Dự báo chỉ số VN-Index sẽ có nhịp tăng trung hạn tiếp theo với biên độ 240 – 260 điểm. Trong đó, năm 2025 có các nhịp tăng điểm ngắn hạn với biên độ tuyến tính 80 - 120 điểm, đồng pha tăng trung hạn, hướng tới chinh phục các vùng giá 1.345 – 1.358 và 1.370 – 1.397 (có thể đạt tới ngưỡng 1.408 – 1.435 điểm).
Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường tài sản khác với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, thị trường vàng vẫn còn nhiều cơ hội, lãi suất tiết kiệm tăng, sức ép từ tỷ giá tăng lên...
Do đó, mốc xác nhận thị trường bứt phá biên đi ngang, vào pha tăng trung hạn khi VN-Index kết nến tuần/nến tháng trên mốc 1.310+/- điểm, với thanh khoản giao dịch bình quân/phiên trên 25.000 tỷ đồng trong tuần gần nhất. Mốc hỗ trợ của kịch bản này là 1.198 điểm.
Còn kịch bản tiêu cực xảy ra khi có các sự kiện lớn bất thường trên thế giới diễn ra nhanh và tác động mạnh vào nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh các nền kinh tế có quan hệ thương mại – đầu tư lớn với Việt Nam như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... chưa thoát khỏi khó khăn và tiềm ẩn các yếu tố bất ổn địa chính trị. Trong khi đó, đồng USD duy trì sức mạnh khi đang ở trong một xu hướng tăng dài hạn, được hỗ trợ bởi nền kinh tế Mỹ mạnh lên.
Thị trường đã trải qua 24 tháng hồi phục mở rộng về thời gian và biên độ của pha sóng hồi, góc lên đạt ngưỡng 45 độ, tới vùng kháng cự 1.300 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, thị trường có thể điều chỉnh trở lại hoàn thiện pha thứ 2 của cấu trúc điều chỉnh dài hạn cho toàn bộ xu hướng tăng 12 năm, từ năm 2000 - 2022.
Mốc xác nhận rủi ro là khi VN-Index phá qua mốc đáy 1.198 điểm. Khi đó nhà đầu tư nên hạ các vị thế cổ phiếu đã mua ngắn hạn và trung hạn.
Tiếp theo là mốc đáy trung hạn 1.030 điểm được thiết lập tháng 11/2023. Khi VN-Index phá vỡ mốc này, nhà đầu tư cần chủ động thoát toàn bộ các vị thế đầu tư. Các giao dịch sau đó chỉ nên được xác định là các giao dịch mua bán nghịch pha của một thị trường đang điều chỉnh trung và dài hạn.
"Mốc hỗ trợ của thị trường đối với kịch bản dự phóng thị trường tích cực là 1.198 - 1.164 điểm. Đây cũng là mốc phân định kịch bản tích cực và rủi ro. Vùng thời gian chú ý đầu tiên là cuối tháng 3 - đầu tháng 4 /2025", nhóm phân tích lưu ý.
Với dự báo kịch bản tích cực là chủ đạo, ABS đề xuất chiến lược "giao dịch năng động" với nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư với các cổ phiếu mạnh, trên biểu đồ tuần và ngày có cùng xu hướng đồng pha tăng để tối ưu lợi nhuận trong giao dịch; nhưng cần chú ý hạ tỷ trọng khi thị trường tăng tới mức biên độ đề xuất trong kịch bản.
Nhà đầu tư năng động có thể giao dịch từng nhịp tăng ngày trên pha tăng trung hạn, và giải ngân khi thị trường điều chỉnh giảm các ngưỡng 40+/- điểm hoặc thị trường rung lắc, ưu tiên đối với cổ phiếu giảm về mốc hỗ trợ MA10/MA20 tuần.
Đối với các cổ phiếu trong cuối năm 2024, đầu năm 2025 đang có trạng thái tạo đáy trung hạn và cho điểm mua, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giải ngân trước một phần vị thế. Theo đó, nhà đầu tư nên giải ngân tại các vùng hỗ trợ trung hạn của VN-Index tại 1.130 và 1.080 điểm trong những nhịp điều chỉnh của thị trường, và hạ tỷ trọng ở các ngưỡng kháng cự mạnh của kịch bản 1 ở 1.255 và 1.320 - 1.340 - 1.358 điểm.