Ðạ Huoai: Gấp rút triển khai công tác phòng, chống hạn

Theo dự báo, năm 2025 tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Đạ Huoai sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn và các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và triển khai sớm các công tác phòng, chống hạn trên địa bàn huyện đạt hiệu quả.

Người dân xã Đồng Nai Thượng chủ động đào thêm ao, hồ nhỏ nhằm tích nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng

Người dân xã Đồng Nai Thượng chủ động đào thêm ao, hồ nhỏ nhằm tích nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, trong năm 2024, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra trên địa bàn ước tính khoảng 1.699 ha, ảnh hưởng chủ yếu là cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu và cây công nghiệp khác do thiếu nguồn nước để bơm tưới, ảnh hưởng đến sinh trưởng, giảm năng suất.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, trên địa bàn toàn huyện hiện có 93 công trình thủy lợi đã được đầu tư đang khai thác cùng 489,677 km kênh mương; tổng công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện là 9.452 ha/43.094 ha đất canh tác nông nghiệp toàn huyện, đạt khoảng 22% đất nông nghiệp được tưới từ công trình thủy lợi (công trình hồ chứa nước Đạ Lây, Đạ Sị chưa có kênh). Về nước sinh hoạt nông thôn, trên địa bàn huyện Đạ Huoai hiện có 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, với tổng công suất thiết kế là 3.107 hộ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang thực hiện dự án đấu nối nguồn nước từ Nhà máy nước Đạ Tẻh cấp nước cho 1.505 hộ tại 3 xã khu vực nông thôn trên địa bàn huyện. Trên địa bàn huyện còn có khoảng 1.271 km sông, suối, 1.527 ao, hồ nhỏ tạo điều kiện ổn định nguồn nước mặt, nước ngầm để bơm tưới cho cây trồng cạn và cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân.

Qua đánh giá, hiện trạng nguồn nước trên địa bàn huyện Đạ Huoai đáp ứng khoảng 85% cho sản xuất, 98% nước sinh hoạt về mùa khô. Tuy các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện đến thời điểm cuối tháng 11/2024 đã tích nước đủ đến mực nước thiết kế nhưng tình hình thời tiết năm 2025 được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, mực nước nhiều hồ chứa sẽ sớm cạn kiệt, nhiều khả năng không đủ nước tưới cho vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2025.

Do đó, UBND huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường điều tiết, trữ nước thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn huyện. Có kế hoạch điều chỉnh mùa vụ, cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất các loại cây trồng chịu hạn thấp ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và trồng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thực hiện điều tiết nước tưới từ công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2024-2025, vụ Hè Thu, vụ Mùa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây trồng khác năm 2025 trên địa bàn huyện. Chủ động mọi nguồn lực trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán. Thực hiện triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán gắn với mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của người dân trong quản lý thiên tai. Đơn vị, địa phương, cá nhân để xảy ra thất thoát nguồn nước thủy lợi, nước sinh hoạt, sử dụng nguồn nước lãng phí hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác điều tiết nước gây thiệt hại trong sản xuất, thì lãnh đạo đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

Riêng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện, Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đạ Huoai thường xuyên kiểm tra, đánh giá, dự báo sớm khả năng phục vụ nước tưới của các công trình thủy lợi để chủ động công tác phòng, chống hạn, điều chỉnh lịch thời vụ; kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng kênh mương để đảm bảo an toàn chuyển nước tưới theo nhiệm vụ thiết kế. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã, thị trấn để điều tiết nước cho các tuyến kênh, phân chia nước tưới cho phù hợp với diện tích canh tác của các xã, thị trấn trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tranh giành nước tưới trên các khu vực sản xuất. Không điều tiết nước tưới tự chảy cho những diện tích có địa hình cao cục bộ so với cao trình khống chế tưới tự chảy của kênh để lưu thông dòng chảy và tránh thất thoát nước tưới.

Đồng thời, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đã được giao quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể cho viên chức của đơn vị trong công tác quản lý, khai thác phát huy hiệu quả các công trình; kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ, hạn chế tối đa việc gián đoạn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân; xây dựng quy trình vận hành, quy chế phối hợp trong công tác quản lý cho từng công trình…

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202502/a-huoai-gap-rut-trien-khai-cong-tac-phong-chong-han-69a0e60/
Zalo