Ða dạng vật nuôi, tăng nguồn thu nhập

Qua tìm tòi, học hỏi, ông Lý Hoàng Vũ, ấp Kinh Lách, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, mạnh dạn thực hiện mô hình mới, đó là nuôi gà đen, le le, bước đầu đạt kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Gà đen là giống gà đặc sản của vùng núi Tây Bắc, da và thịt đều có màu đen, thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Nhờ được chăm sóc đúng cách, mô hình chăn nuôi của ông Vũ đạt năng suất cao.

Ông Vũ cho biết: “Khoảng 2 năm trước, tôi đặt mua 40 con gà đen giống qua mạng, với giá 55 ngàn đồng/con, sau đó tôi nghiên cứu cách nuôi từ các trang mạng xã hội. Ðến nay, đàn gà của tôi được hơn 200 con gà thịt và hơn 40 con gà mái đẻ. Nhìn chung, gà đen dễ nuôi như giống gà ở địa phương, ít dịch bệnh, mau lớn. Gà đen thương phẩm chủ yếu là gà đen trống, với giá khoảng 200 ngàn đồng/kg, có thể xuất bán sau khoảng 5-6 tháng nuôi. Tôi thường để lại gà đen mái để tiếp tục gây đàn nhằm duy trì và phát triển mô hình”.

Bên cạnh nuôi gà đen, ông Vũ còn nuôi thêm le le, đây là loài chim nước thường sống ở các vùng đầm lầy và ao hồ, chất lượng thịt có giá trị dinh dưỡng cao. Ban đầu ông Vũ nuôi chỉ vài chục con giống được chọn lọc kỹ từ các lò ấp. Sau khoảng 5 tháng nuôi, le le có thể đạt trọng lượng khoảng 500-600 gram/con và sẵn sàng xuất bán, có thể bán con giống hoặc bán thương phẩm. Con giống khoảng 1 tháng tuổi có giá thành dao động từ 500 ngàn đồng/cặp; le le thương phẩm thì giá thành sẽ dao động từ 250-270 ngàn đồng/con tùy kích cỡ và chất lượng của le le.

Gà đen và le le được cắt cánh từ nhỏ để hạn chế bỏ đàn.

Gà đen và le le được cắt cánh từ nhỏ để hạn chế bỏ đàn.

Thời gian đầu, do mô hình chăn nuôi còn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Vũ gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng con giống. Với quyết tâm, ông đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học - kỹ thuật, từ đó chăn nuôi đạt hiệu quả hơn.

“Ban đầu khi mới nuôi le le, tôi thực hiện việc cắt cánh như các giống chim khác để hạn chế bỏ đàn nhưng chúng vẫn bay ra tự nhiên. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tôi tìm tòi và học hỏi được kỹ thuật cắt chóp cánh bằng dụng cụ điện trong thú y, nên việc thuần dưỡng cũng dễ dàng và hạn chế tối đa việc bỏ đàn của le le. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư máy ấp trứng với sức chứa khoảng 1 ngàn trứng/lần ấp. Mỗi lứa ấp khoảng 28-29 ngày, nuôi trong lồng 1 tuần là có thể bán con giống và tiếp tục ấp thêm lứa mới. Nhờ vậy mà sản lượng tăng cao, ổn định chất lượng con giống và thị trường tiêu thụ”, ông Vũ cho biết.

Mô hình nuôi gà đen, le le, gà đông tảo, chim trích cồ... của ông Lý Hoàng Vũ cho thu nhập hằng năm trên 150 triệu đồng.

Mô hình nuôi gà đen, le le, gà đông tảo, chim trích cồ... của ông Lý Hoàng Vũ cho thu nhập hằng năm trên 150 triệu đồng.

Ngoài le le và gà đen, ông Vũ đang nuôi thêm gà đông tảo, chim trích cồ, hằng năm tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng.

Hiện mô hình chăn nuôi của ông Vũ được nhiều hộ dân trong xã học hỏi, thực hiện và đạt hiệu quả cao. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hóa vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ nói riêng và phát triển kinh tế bền vững của địa phương nói chung.

Ông Ngô Minh Ðạo, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà đen và le le của ông Lý Hoàng Vũ là mô hình đầy triển vọng, khẳng định hiệu quả kinh tế. Bản thân ông Vũ là người ham học hỏi và luôn tìm cách ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Vũ còn nhiệt tình giúp đỡ người dân cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Mô hình của ông Vũ là điển hình cho phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới”./.

Quách Nguyên - Diễm Huỳnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/da-dang-vat-nuoi-tang-nguon-thu-nhap-a33822.html
Zalo