9x Pa Kô tình nguyện xuyên biên giới
Không ngại đường sá xa xôi, nguy hiểm để giúp đỡ những bản làng nghèo của nước bạn Lào, dành thời gian để xóa mù chữ cho người dân trong thôn, cô gái Pa Kô Hồ Thị Hương có tấm lòng đẹp như chính cái tên của mình. Cô gái trẻ này đi khắp nơi và lan tỏa, sẻ chia những điều tốt đẹp cho mọi người.
Lớp học xóa mù chữ
Chúng tôi gặp Hương vào một ngày đầu tháng 9 tại trụ sở UBND xã Lìa. Vốn là cán bộ của Hội LHTN xã, cô dành phần lớn thời gian của mình để làm việc tại trụ sở. Ngồi trò chuyện với Hương trong phòng làm việc, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi, trên tay ôm quả mít bước vào, nhờ Hương chỉ dẫn một số giấy tờ rồi bê quả mít đặt lên bàn cười nói: “Em mang về mà ăn”. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, Hương trả lời: “Học trò của tôi đấy”.
Hóa ra, ngoài giờ làm việc ở xã, trong tuần Hương đều dành ra 2 - 3 buổi chiều tối để mở một lớp dạy học miễn phí cho chị em trong thôn bản. Họ đều là lao động tự do và cùng chung một nỗi niềm... không biết chữ. “Năm đó, chị gái tôi lên xã để ký giấy tờ nhưng loay hoay mãi không biết viết chữ để ký tên mình, tôi thấy thương quá. Về nhà tôi hỏi chị có muốn học chữ không, tôi sẽ dạy, chị vui vẻ đồng ý”, cô nhớ lại.
Đó là lý do để lớp học xóa mù chữ ra đời và được phát triển với số lượng gần 30 học viên cho đến thời điểm hiện tại. Từ câu chuyện của người chị ruột, Hương cảm thấy may mắn hơn mọi người khi được đến trường, được ăn học đầy đủ, được biết chữ, đọc sách... và giờ là lúc cô gái người Pa Kô này trở về để giúp đỡ, cống hiến cho vùng quê nghèo của mình.
“Thấy tôi dạy chữ cho chị gái, nhiều cô, chú khác trong bản cũng tìm đến để xin được học chữ. Việc biết chữ không chỉ tốt cho những người này mà phần nào đỡ vất vả cho các cán bộ xã như chúng tôi mỗi khi dân đến làm việc”, Hương bày tỏ.
Cứ thế, lớp học được mở ra với số lượng gần 30 học viên và dạy tại nhà văn hóa của thôn. Vốn là một cử nhân sư phạm, Hương có đầy đủ các nghiệp vụ để giảng dạy. Sau giờ làm, cô gái trẻ vội vàng trở về nhà để soạn giáo án, ra bài tập chuẩn bị cho lớp học của mình.
Gần 30 học viên đều được cô giảng dạy miễn phí, thứ “học phí” mà cô nhận được chính là tình cảm mến thương của tất cả mọi người.
“Cô giáo không nhận học phí, nhưng thấy cô vất vả, nhiều công việc mà vẫn dành thời gian cho chúng tôi nên ai nấy đều quý mến. Mỗi giờ học, có người mang nải chuối, người mang bao xoài... đến biếu cô để thay cho lời cảm ơn”, chị Hồ Thị Đời, học viên tại lớp học của Hương chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình 8 anh chị em, Hương may mắn khi được ăn học đủ đầy. Cô hiểu được sự quý giá của con chữ. So với những chị em khác ở bản làng, cô như đóa hoa nở rộ giữa mảnh đất khô cằn và đóa hoa đó luôn tỏa hương để làm đẹp hơn cho bản làng của mình.
Tình nguyện xuyên biên giới
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, Hương chia sẻ bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 2020, khi còn là sinh viên học tại Huế. Cô tham gia các hoạt động công tác xã hội tại trường, được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương, từ đó cảm thấy cuộc đời đã ưu ái mình nhiều thứ. “Tôi thường tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, rồi chia sẻ lên facebook để kêu gọi. Mỗi lần kêu gọi, tôi không kêu gọi quá nhiều, chỉ đủ giúp các cụ già neo đơn, các em nhỏ mồ côi là tôi thấy vui rồi”, Hương chia sẻ. Tấm lòng nhân ái của 9x người Pa Kô không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ bà con trong bản. Ở tuổi 29, cô đã xây dựng được sự tín nhiệm của các nhà hảo tâm để nhiều lần kêu gọi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cũng như những bản làng xa xôi của nước Lào.
Nhớ về chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời, cô gái trẻ kể lại hành trình từ xã Lìa cùng những người bạn lái xe máy vượt gần 100 cây số, băng rừng, vượt suối để đến với bản A Xing, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào, một vùng bản biệt lập và đầy khó khăn của nước bạn. Đường đi đầy sỏi đá, vượt qua những con dốc cheo leo giữa biên giới hai nước Việt - Lào là ấn tượng khiến Hương nhớ mãi trong chuyến tình nguyện xuyên biên giới này.
“Khi đặt chân đến đây, tôi không nghĩ thời đại này vẫn còn có một nơi với nhiều thứ “không” đến thế. Không điện, không nước, không sóng điện thoại, mọi thứ gần như biệt lập, cách ly với một thế giới hiện đại ngoài kia”, cô kể lại.
Chuyến hành trình đến Lào năm đó diễn ra vào tháng 2/2023, thời điểm đang còn mùa đông nên rất lạnh giá. Chứng kiến các em nhỏ không có áo ấm, quần dài để mang, hàng ngày tập trung trước khoảng đất trống để vui đùa với nhau, cô càng thêm mủi lòng.
“4 ngày sống cùng dân bản khiến tôi nhớ mãi. Thực sự cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn. Tôi nghĩ không lâu nữa mình sẽ trở lại đây xem cuộc sống của bà con như thế nào để tổ chức thêm một hành trình thiện nguyện nữa giúp đỡ họ”, Hương bày tỏ.
Anh Nguyễn Anh Cư, Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa đáng giá cao về những hoạt động, thành tích của Hồ Thị Hương đạt được trong thời gian qua. Cô chính là tấm gương để các cán bộ đoàn, hội khác noi theo.
“Năm 2023, Hương được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao tặng bằng khen về các thành tích xuất sắc trong công tác hội. Đây là một cán bộ có năng lực với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần phát triển xã hội, đặc biệt là với cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”, anh Cư nói.
Vươn mình khỏi mảnh đất cằn cỗi để tìm đến những điều mới lạ, cô gái Pa Kô đã đi khắp nơi để học hỏi, tìm tòi và giờ đây trở về quê hương cống hiến, giúp đỡ mọi người. Với tấm lòng bao dung và ý chí mạnh mẽ, chắc rằng sẽ còn nhiều chuyến thiện nguyện xa xôi, nhiều hoàn cảnh khó khăn sẽ được Hương tìm đến để chia sẻ yêu thương.