9x Cơ Tu nuôi loài 'ăn đêm, ngủ ngày, không hay uống nước', thu lãi hàng trăm triệu đồng

Con vật này chỉ ăn các loại nông sản như sắn, ngô, đọt mía, tre. Chúng ăn nhiều nhất vào ban đêm và rất lười uống nước, giá bán lên tới 550 nghìn đồng/kg.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, như các bạn cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị Alăng Thị Thảo (SN 1998), người dân tộc Cơ Tu, trú tại thôn Nà Nghir, xã Zà Hung, huyện Đông Giang ở nhà phụ bố mẹ công việc nương rẫy rồi lấy chồng, sinh con.

Tuy nhiên, khi thấy mạng xã hội phát triển, mọi người rất thích tìm mua những sản phẩm là đặc sản của núi rừng hay của nhà làm ra, chị Thảo liền thử đăng bài bán hàng.

Bằng thương mại điện tử, chị Thảo đã góp phần tiêu thụ nông sản địa phương giúp bà con nông dân.

Ban đầu, chị Thảo chỉ bán những thứ của nhà mình làm ra như chuối, dứa, đậu đen, ngô nếp rẫy, ớt a riêu và được nhiều người ủng hộ, hỏi mua vì ăn ngon, chất lượng tốt. Sau đó, chị cùng chồng đi thu mua thêm nông sản của địa phương, bán lẻ và bán buôn cho các thương lái ở trong khu vực và các tỉnh lân cận.

Dần dần, từ vài trái dứa, nhà chị Thảo đã trở thành đầu mối tập kết nông sản lớn. Bà con làm ra sản phẩm hay đi rừng, đi nương rẫy về có của ngon vật lạ gì cũng mang đến bán cho chị Thảo với giá cao.

“Bà con đi rừng có khi bắt được cả những con dúi rừng to, đẹp, mang bán được cả triệu đồng. Tôi thấy giá dúi cao, được nhiều người lùng mua nên bàn với chồng nuôi dúi để bán”, chị Thảo kể lại.

Mỗi tháng, chị Thảo cung cấp ra thị trường khoảng 20 cặp dúi.

Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi, vợ chồng chị Thảo liền đầu tư số tiền khoảng 50 triệu đồng mua 50 con dúi về nuôi. Đồng thời đầu tư thêm tiền làm 70 ô chuồng, mỗi ô được dựng bằng các tấm gạch men kích thước 50x50cm nối sát vào nhau.

Theo chị Thảo, dúi rất dễ nuôi. Chúng chỉ ăn các loại nông sản có sẵn tại địa phương như củ sắn, ngô, cỏ voi, cây đót, tre, đầu mía các loại. Dúi thường ăn nhiều vào ban đêm nên mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 lần. Buổi sáng cho ít thức ăn hơn buổi chiều để tránh bị hỏng, ôi thiu, cũng không nên cho chúng ăn quá no hoặc để chúng quá đói.

Dúi thương phẩm được chị Thảo bán với giá từ 450-550 nghìn đồng/kg.

Đặc biệt, nuôi dúi không cần phải để nước trong chuồng vì chúng uống rất ít nước. Dúi sau khi nuôi khoảng 5 tháng, trọng lượng đạt từ 1-1,2kg sẽ được bán với giá từ 450-550 nghìn đồng/kg.

Ngoài nuôi dúi thương phẩm, chị Thảo còn nuôi dúi sinh sản để cung cấp con giống cho những người có nhu cầu làm kinh tế từ con dúi.

Dúi ít uống nước nên chuồng trại rất sạch sẽ, ít mùi, vài ngày mới phải dọn dẹp một lần.

Dúi mẹ có thể sinh sản từ 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 3-4 dúi con. Dúi cái mang thai tầm 45 ngày là sinh. Sau khi sinh sẽ được nuôi cùng mẹ thêm 45 ngày nữa để vừa bú mẹ vừa học cách ăn rồi mới tách mẹ.

Dúi con sau khi tách mẹ đạt khoảng 0,3-0,4kg/con sẽ được bán với giá 500 nghìn đồng/cặp, khi dúi đạt trọng lượng từ 0,5-0,6kg/con sẽ có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng/cặp, dúi bố mẹ có giá từ 1,5-2 triệu đồng/cặp. Một năm, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Thảo thu được khoảng 100 triệu đồng nhờ nuôi dúi.

Nhờ nuôi dúi, vợ chồng chị Thảo có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ngoài nuôi dúi, chị Thảo còn đứng ra thu mua lại dúi của bà con đi rừng bắt được để bán thương phẩm hoặc nuôi sinh sản, tư vấn cách làm chuồng, cách nuôi dúi cho những người bắt đầu nuôi dúi làm kinh tế.

Không chỉ vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, giúp đỡ bà con nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vợ chồng chị Thảo còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình khó khăn khác tại địa phương, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một số lao động với mức thu nhập khá.

Hồng Cảnh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/9x-co-tu-nuoi-loai-an-dem-ngu-ngay-khong-hay-uong-nuoc-thu-lai-hang-tram-trieu-dong-204242808150407868.htm
Zalo