92,7% tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xử lý nghiêm
Sáng 29-12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.
Năm 2024, Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Tháng 9-2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó Việt Nam đứng thứ 4 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về lĩnh vực an ninh mạng. Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu” (bậc cao nhất trong 5 bậc), đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tháng 11-2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính của Việt Nam. Theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.
Năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin Truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7% (tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023).
Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2024 ước đạt 21,2 triệu thuê bao, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ (bao gồm VAT) ước tính đạt xấp xỉ 10.500 tỷ đồng, đạt cùng kỳ năm trước. Số lượng tài khoản người dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội Việt Nam đạt 110 triệu tài khoản (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việc sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông đảm bảo an toàn quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng; khắc phục những hạn chế, thiếu sót về cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng. Đối với lĩnh vực báo chí cần quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng bằng biện pháp công nghệ.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: ngành cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, công nghệ số, góp phần thực hiện vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc…
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.