90% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến toàn trình trong năm 2025

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 với hàng loạt chỉ tiêu, trong đó phấn đấu nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình, với tối thiểu 70% hồ sơ được xử lý trực tuyến và 45% giao dịch thanh toán trực tuyến. Đáng chú ý, 90% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sẽ được số hóa.

Về hạ tầng số, tỉnh sẽ triển khai mạng di động 5G tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu 100% thôn, bản được phủ sóng di động và 100% hộ gia đình có kết nối Internet.

Trong lĩnh vực chính quyền số, 100% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, 80% cuộc họp thực hiện thông qua hệ thống họp không giấy tờ. Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 06 huyện, thị xã, thành phố và 300 xã, phường, thị trấn hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số.

Về phát triển kinh tế số, tỉnh đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 80%.

Đối với xã hội số, tỉnh phấn đấu 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 80% dân số đủ 15 tuổi có tài khoản thanh toán điện tử, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số. Đặc biệt, 70% người dân trong độ tuổi lao động sẽ được đào tạo kỹ năng số cơ bản và 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hệ thống camera giám sát được thôn Trọng Hậu, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư của thôn.

Hệ thống camera giám sát được thôn Trọng Hậu, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư của thôn.

Năm 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ đột phá là Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, với mục tiêu 100% bệnh viện triển khai và 30% dân số trưởng thành được sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa. Qua đó giúp người dân không cần mang theo giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, đồng thời có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục suốt đời.

Về an toàn thông tin, 100% hệ thống thông tin sẽ được triển khai phương án bảo đảm an toàn theo hồ sơ cấp độ đã được phê duyệt. Tỉnh sẽ tổ chức rà quét lỗ hổng trên các hệ thống thông tin tối thiểu 6 tháng/lần và tổ chức diễn tập thực chiến đối với các hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên tối thiểu 1 lần/năm.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai 14 dự án trọng điểm về công nghệ thông tin. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm sẽ trực tiếp chỉ đạo thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng với các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/90-thu-tuc-hanh-chinh-duoc-cung-cap-truc-tuyen-toan-trinh-trong-nam-2025-236669.htm
Zalo