90 ngày đàm phán, kỳ vọng mức thuế nào cho Việt Nam?
Việc Mỹ hoãn thuế đối ứng với các quốc gia trong vòng 90 ngày là cơ hội tốt để Việt Nam có thời gian đàm phán, thương lượng và có sự chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau nhằm đạt được phương án có lợi nhất.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố hoãn thuế đối ứng với các quốc gia (trừ Trung Quốc) trong vòng 90 ngày, nhiều chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian tốt cho Việt Nam để đàm phán và xác định phương hướng trong cuộc thương chiến toàn cầu.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "90 ngày là thời gian đủ để ta đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, làm rõ những vấn đề mà cố vấn thương mại Mỹ đề cập. Đây cũng là cơ hội để chúng ta chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi".
Trong thời gian 90 ngày đó, mức thuế quan đối ứng áp dụng cho các quốc gia hiện tại là 10%. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam - nhất là các ngành xuất khẩu vào Mỹ kỳ vọng, mức thuế sẽ về 0 hoặc như hiện tại (10%). Nếu được như vậy, ngành sản xuất của Việt nam sẽ bớt tổn thương.
Các chuyên gia dự báo, nếu mức thuế 46% được áp dụng, GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ giảm 2-2,5% so với kịch bản thông thường (8%), về mức 5,5-6%. Còn nếu mức thuế giảm về 20-25%, GDP sẽ giảm 1,3% về 6,7-7%. Do vậy, việc đàm phán mức thuế càng thấp, sẽ càng giảm tác động của thuế đối ứng với tăng trưởng kinh tế năm nay.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: "Mức thuế lý tưởng nhất được kỳ vọng đàm phán thành công là 10%. Còn nếu không thành công, thì tôi cũng hy vọng nó ở xung quanh 20% và với mức 20% cũng đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam".
Về kỹ thuật đàm phán, chuyên gia cho rằng: không nên yêu cầu một mức thuế chung cho tất cả các sản phẩm.
TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết thêm: "Chúng ta cần phải chủ động đàm phán, vận động trên mọi mặt trận chứ không chỉ dùng có một mặt trận. Sau đó nữa, chúng ta cũng phải biết được là chúng ta có những ưu tiên gì trong bàn đàm phán, chẳng hạn như có những ngành chúng ta cần phải đàm phán để giảm thuế nhiều hơn, có những ngành thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam đủ mạnh để thậm chí có thể chấp nhận một mức thuế cao hơn một chút".
90 ngày cũng là thời gian phù hợp để Việt Nam tính toán các phương án khác cho mình, xác định lại chuỗi cung ứng, lên phương án đẩy mạnh nội địa hóa từ đó tăng nội lực sản xuất.
Suy giảm từ thị trường Mỹ cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa những hiệp định thương mại tự do FTA đã có rồi, các FTA thế hệ mới để giảm tác động của chính sách thuế quan mới tới kim ngạch xuất khẩu.