9 tháng năm 2024, Lạng Sơn với nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội
9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn có nhiều điểm sáng, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế cửa khẩu được tập trung triển khai đồng bộ hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế…
Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhiều điểm sáng.
Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tiến độ sản xuất cơ bản đạt kế hoạch đề ra, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước 94.375 ha, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 0,56% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước trên 320,6 nghìn tấn, đạt 104,5% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu, các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu được tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu cửa khẩu Bình Nghi. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cửa khẩu thông minh. Triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Tỉnh đã tăng cường trao đổi với phía Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đã 16 lần tăng thời gian thông quan thêm 2 giờ/ngày phục vụ xuất nhập khẩu; thực hiện quản lý phương tiện vận tải giao nhận hàng hóa qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc của khẩu quốc tế Hữu Nghị theo quy định tại Hiệp định, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Tính đến ngày 29/9/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.005 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục đà phục hồi
Về sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 0,05% so với cùng kỳ; có 9/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh cũng đã thành lập 3 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp của tỉnh lên 10 cụm; đưa Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng phát điện thương mại.
Hoạt động thương mại phát triển đúng hướng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản được ổn định, lạm phát cơ bản được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng tăng 2,93%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước 27.068,7 tỷ đồng, đạt 66,85% kế hoạch, tăng 12,86%, song mức tăng thấp hơn cùng kỳ (17,91%).
Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thông suốt, an toàn; tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước 1.890,7 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng ước đến 30/9/2024 đạt 47.939 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt 43.670 tỷ đồng. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện và nâng cao chất lượng, doanh thu bưu chính ước 155 tỷ đồng, đạt 73,8% kế hoạch; doanh thu viễn thông ước 920 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch.
Lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi, phát triển. Tỉnh đã tập trung rà soát, hoàn thiện các chính sách về du lịch; tổ chức các hoạt động, biện pháp kích cầu du lịch; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng mới, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổng lượng khách du lịch và doanh thu tăng khá, vượt tiến độ đề ra, ước thu hút khoảng 3,66 triệu lượt khách, đạt 90,1% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 3.177 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Với sự nỗ lực, cố gắng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện hồ sơ đề nghị công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Việc công nhận sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn để phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung tổ chức triển khai tích cực. Tỉnh đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tự công năm 2024 theo quy định, đảm bảo thời gian, đúng mục tiêu, cơ cấu, định mức và danh mục, đạt 99,5% kế hoạch năm 2024, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công các chương trình, dự án, tập trung vào các dự án trọng điểm, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới. Phối hợp UBND tỉnh Cao Bằng tố chức thực hiện Tiểu dự án giải phóng mặt bằng đoạn qua dịa phận tỉnh Lạng Sơn thuộc dự án đâu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất liên vùng được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.
Hạ tầng giao thông khu, cụm công nghiệp được quan tâm đẩy mạnh. Đáng chú ý, đã khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; khởi công xây dựng Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn và Cụm công nghiệp Hồ Sơn 1. Bên cạnh đó các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được thực hiện quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm, kết quả tổng thu và tổng chi ngân sách 9 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 7.353,5 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán, tăng 29,8%, trong đó: Thu nội địa 2.148 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán, tăng 12,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, tăng 39,1%; các khoản huy động, đóng góp 5,5 tỷ đồng, bằng 35,2% cùng kỳ.
Box: Quý IV/2024, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và phát sinh, phấn đấu tốc độ tăng GRDP cả năm 2024 đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Xây dựng Chương trình hành động thực hiện kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.