8 nhóm người có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi là một trong những khối xây dựng chính của xương. Vitamin D cũng có vai trò trong hệ thần kinh, cơ và hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D không chỉ tăng nguy cơ loãng xương mà còn gây ra nhiều bệnh khác.

1. Vai trò của vitamin D

Nội dung

1. Vai trò của vitamin D

2. Lượng vitamin D mỗi ngày

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D

4. Nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D

5. Cách tốt nhất để bổ sung thêm vitamin D

6. Thiếu hoặc thừa vitamin D có gây hại không?

7. Ai không nên dùng vitamin D bổ sung?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phốt pho. Vitamin D làm tăng hấp thụ canxi và phốt pho qua đường tiêu hóa.

Tại xương, vitamin D cùng hormone cận giáp kích thích chuyển hóa canxi và phốt pho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phốt pho được gắn trong mô xương. Vitamin D là một chất quan trọng giúp điều hòa cân bằng nội môi của can xi và phốt pho trong cơ thể.

Vitamin D cũng đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hóa các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin. Vitamin D cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hóa một số tế bào ung thư như ung thư da, xương và các tế bào ung thư vú. Tình trạng đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Thiếu vitamin D có thể gây ra một loạt các triệu chứng về cơ và khớp.

Thiếu vitamin D có thể gây ra một loạt các triệu chứng về cơ và khớp.

2. Lượng vitamin D mỗi ngày

Lượng vitamin D cần mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi. Lượng khuyến nghị, tính theo đơn vị quốc tế (IU), là:

Từ lúc sinh đến 12 tháng: 400 IU
Trẻ em 1-13 tuổi: 600 IU
Thanh thiếu niên 14-18 tuổi: 600 IU
Người lớn 19-70 tuổi: 600 IU
Người lớn từ 71 tuổi trở lên: 800 IU
Phụ nữ có thai và cho con bú: 600 IU

Những người có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D có thể cần nhiều hơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng vitamin D bạn cần.

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D

Con người có thể bị thiếu vitamin D vì nhiều lý do khác nhau:

Không nhận đủ vitamin D trong chế độ ăn uống.
Không hấp thụ đủ vitamin D từ thực phẩm (do vấn đề kém hấp thụ).
Không được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời.
Gan hoặc thận không thể chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động trong cơ thể.
Dùng thuốc cản trở khả năng chuyển hóa hoặc hấp thụ vitamin D của cơ thể.

4. Nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D

Một số người có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn, bao gồm:

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, vì sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D.

Người cao tuổi do da không thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hiệu quả như khi còn trẻ và thận cũng kém khả năng chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động.

Những người có làn da sẫm màu, khả năng sản xuất vitamin D từ ánh nắng mặt trời kém hơn.

Những người mắc các bệnh lý khiến việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm trở nên khó khăn, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và bệnh celiac.

Những người bị béo phì vì mỡ trong cơ thể liên kết với một số vitamin D và ngăn không cho vitamin D đi vào máu.

Những người đã phẫu thuật cắt dạ dày, vì vitamin D được hấp thụ ở đó, việc cắt một phần dạ dày sẽ khiến việc hấp thụ đủ vitamin D trở nên khó khăn hơn.

Những người mắc bệnh thận hoặc gan mạn tính, có thể ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa vitamin D thành dạng mà cơ thể có thể sử dụng.

Những người dùng thuốc ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D, bao gồm một số loại thuốc điều trị cholesterol, chống co giật, steroid và giảm cân.

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu mình có nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Có một xét nghiệm máu có thể đo lượng vitamin D trong cơ thể.

Chú ý bổ sung vitamin D qua chế độ ăn hằng ngày.

Chú ý bổ sung vitamin D qua chế độ ăn hằng ngày.

5. Cách tốt nhất để bổ sung thêm vitamin D

Thông thường, chúng ta có thể nhận được vitamin D theo ba cách: qua da, từ chế độ ăn uống và từ các chất bổ sung. Cơ thể con người tự nhiên tạo ra vitamin D sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến lão hóa da và ung thư da, vì vậy nhiều người cố gắng lấy vitamin D từ các nguồn khác như thức ăn và thực phẩm bổ sung.

Có một số loại thực phẩm có chứa vitamin D tự nhiên:

Cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu;
Gan bò;
Phô mai;
Nấm;
Lòng đỏ trứng.

Ngoài ra, cũng có thể nhận được vitamin D từ thực phẩm tăng cường. Khi mua, khi sử dụng hãy kiểm tra nhãn thực phẩm để tìm hiểu xem thực phẩm có vitamin D hay không. Thực phẩm thường có thêm vitamin D bao gồm:

Sữa, các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua;
Ngũ cốc ăn sáng;
Nước cam;
Đồ uống như đậu nành...

Vitamin D có trong nhiều loại vitamin tổng hợp. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm bổ sung vitamin D, cả dạng viên và dạng lỏng dành cho trẻ sơ sinh. Nếu bạn bị thiếu vitamin D, cách điều trị là dùng thuốc bổ sung. Hãy hỏi bác sĩ về liều lượng bạn cần dùng, tần suất dùng và thời gian dùng.

6. Thiếu hoặc thừa vitamin D có gây hại không?

Thiếu vitamin D có thể dẫn đến mất mật độ xương, từ đó gây ra chứng loãng xương và gãy xương. Ở trẻ em, nó có thể gây ra bệnh còi xương. Còi xương là một căn bệnh hiếm gặp khiến xương trở nên mềm và cong. Ở người lớn, tình trạng thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng dẫn đến bệnh nhuyễn xương. Bệnh nhuyễn xương gây ra xương yếu, đau xương và yếu cơ. Thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến các bệnh khác.

Quá nhiều vitamin D dễ gây ngộ độc vitamin D. Hầu hết các trường hợp ngộ độc vitamin D xảy ra nếu lạm dụng thực phẩm bổ sung vitamin D. Các dấu hiệu ngộ độc bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, yếu và sụt cân.

Nồng độ vitamin D quá cao có thể gây hại cho thận. Nó cũng làm tăng nồng độ canxi trong máu. Nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi huyết) có thể gây lú lẫn, suy thận và nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).

7. Ai không nên dùng vitamin D bổ sung?

Hầu hết mọi người có thể bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, một số người không nên dùng vitamin D hoặc chỉ dùng dưới sự giám sát của bác sĩ. Ví dụ, những người dùng một số loại thuốc như: Digoxin (điều trị nhịp tim không đều) hoặc thuốc lợi tiểu Thiazide (thường dùng để điều trị tăng huyết áp). Hoặc những người mắc các tình trạng bệnh lý bao gồm: Bệnh Sarcoidosis; Cường cận giáp nguyên phát; U lympho Hodgkin hoặc không Hodgkin; Bệnh u hạt; Bệnh thận; Nồng độ canxi trong máu cao.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-nhom-nguoi-co-nguy-co-cao-thieu-hut-vitamin-d-169240929231755906.htm
Zalo