8 nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Như Ý

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Như Ý

Sáng 13/01, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với sự tham dự của gần 979.000 đại biểu tại 15.345 điểm cầu Trung ương và địa phương, cơ sở.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Ban Bí thư; các nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương, Thành phố Hà Nội và một số địa phương...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề, quán triệt nội dung, tinh thần chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề, quán triệt nội dung, tinh thần chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Như Ý

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Bùi Quốc Dũng, Trần Minh Khương dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Dự tại điểm cầu trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, có Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng lãnh đạo cấp vụ và tương đương các đơn vị có trụ sở trên địa bàn Hà Nội; Trưởng phòng và tương đương các đơn vị có trụ sở trên địa bàn Hà Nội. Tại 12 điểm cầu trực tuyến các khu vực, có lãnh đạo cấp vụ và tương đương, lãnh đạo cấp phòng KTNN các khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Như Ý

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Như Ý

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề, quán triệt nội dung, tinh thần chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý báo cáo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng và đến nay là quốc sách hàng đầu. Nhiều nghị quyết quan trọng đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện... Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và làm sâu sắc thêm một số quan điểm, định hướng.

Theo đó, về quan điểm, cần luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.

Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai. Triển khai Nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.

Về hành động, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp đột phá.

Thứ nhất là thống nhất nhận thức và hành động: Xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.

Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển. Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Thứ hai là phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách: Trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Thứ ba là khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ: Trong quý I/2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng. Ảnh: M. Thúy

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng. Ảnh: M. Thúy

Thứ tư là ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học-công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá: Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo, v.v… Nghiên cứu cơ chế cho mô hình "đầu tư công-quản trị tư", bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

"Năm 2025, năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học-công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo" - Tổng Bí thư đề nghị.

Thứ năm là nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Thủ tục liên quan phải thông thoáng, hấp dẫn, cạnh tranh với quốc tế. Xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương. Đẩy mạnh phong trào tôn vinh tài năng và sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học. Tiếp tục duy trì phong trào học tập suốt đời, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, trọng tâm là sau đại học, đại học, dạy nghề.

Thứ sáu là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số: Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hạ tầng như đã nêu trong Nghị quyết 57. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới, với trọng tâm là năng lượng sạch, bảo đảm đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ thể. Tối ưu hóa và nâng cấp hạ tầng số, xây dựng các trạm gốc 5G, mở rộng Internet băng thông rộng và phạm vi phủ sóng cáp quang. Phát triển hệ thống vệ tinh tầm thấp tốc độ cao. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, triển khai Luật Dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu trong năm 2025...

Quang cảnh các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội. Ảnh: M. Thúy

Quang cảnh các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội. Ảnh: M. Thúy

Thứ bảy là tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải: Cần ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí, bao gồm giải pháp công nghệ cho những vấn đề của thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0. Tập trung thúc đẩy các “mũi nhọn” chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06 và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thứ tám là đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Tích cực tham gia xây dựng các chuẩn mực quốc tế, trước mắt là trong khu vực ASEAN, thông qua các sáng kiến như Công ước Hà Nội...

Khẳng định đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".

Nghị quyết đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng ta trong phát triển đất nước; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong nắm bắt kịp thời các xu hướng toàn cầu về phát triển công nghệ giữa các quốc gia, đồng thời thể hiện khả năng dự báo và thích ứng với bối cảnh tình hình quốc tế trong những năm tới. Với nhiều chủ trương chính sách đột phá. Nghị quyết truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/8-nhiem-vu-giai-phap-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-37689.html
Zalo