8 câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh cường lách
Trong tình trạng cường lách, lách trở nên to và hoạt động quá mức, dẫn đến sự phá hủy sớm các tế bào máu. Điều này có thể phá vỡ sự cân bằng bình thường của quá trình sản xuất và loại bỏ tế bào máu, dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau.
NỘI DUNG
1. Điều trị bệnh cường lách bằng y học cổ truyền
2. Bệnh cường lách có điều trị khỏi được không?
3. Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ lách?
4. Cường lách có nguy hiểm cho sức khỏe không?
5. Mắc bệnh ung thư có gây cường lách không?
6. Nhiễm ký sinh trùng có gây cường lách?
7. Khi nào nên đi khám và khám bệnh ở đâu?
8. Chi phí điều trị bệnh cường lách
Vai trò của lách trong cơ thể là lọc máu và loại bỏ các tế bào máu cũ hoặc bị hư hỏng. Nó cũng giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách sản xuất kháng thể và lưu trữ các tế bào miễn dịch.
Khi chứng cường lách xảy ra, lách trở nên hoạt động quá mức và bắt đầu loại bỏ các tế bào máu với tốc độ nhanh hơn. Điều này có thể dẫn đến giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu lưu thông trong máu. Hậu quả là bệnh nhân bị thiếu máu, giảm bạch cầu (số lượng bạch cầu thấp) và giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu thấp).
1. Điều trị bệnh cường lách bằng y học cổ truyền
Y học cổ truyền đã có những bài thuốc và phương pháp điều trị bệnh cường lách từ lâu đời. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và sự an toàn, cần được thăm khám và điều trị ở cơ sở y tế được chứng nhận hoặc các bệnh viện có khoa Y học cổ truyền.
Khám chữa bệnh bằng Đông y không chỉ tập trung vào việc điều trị bệnh mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh. Các bài thuốc y học cổ truyền thường sử dụng các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, giảm đau.
Các phương pháp kết hợp điều trị cường lách trong y học cổ truyền như châm cứu giúp điều hòa khí huyết, giảm đau, giảm sưng; xoa bóp giúp thư giãn cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu. Trong một số trường hợp, có thể kết hợp phương pháp điều trị của y học cổ truyền với phương pháp điều trị hiện đại để đạt hiệu quả tốt nhất và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
2. Bệnh cường lách có điều trị khỏi được không?
Lách của người trưởng thành khỏe mạnh có trọng lượng khoảng 150g, dài khoảng 12cm. Khi lá lách có kích thước từ 12-20cm, nặng trên 400g thì được chẩn đoán là cường lách.
Bệnh cường lách có thể điều trị được bằng cách khắc phục nguyên nhân và triệu chứng. Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số trường hợp chỉ xuất hiện tạm thời nhưng cũng có thể trở thành mạn tính, tiến triển ngày càng nặng và đe dọa sức khỏe, tính mạng.
Điều trị bệnh cường lách phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp cường lách mức độ nhẹ có thể được cải thiện rõ rệt nhờ các biện pháp tích cực như truyền máu nhằm phục hồi số lượng tế bào máu cần thiết. Thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế các loại thực phẩm gây hại, bổ sung các loại thực phẩm có lợi. Dùng thuốc lợi tiểu nhằm loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa. Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc diệt ký sinh trùng.
3. Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ lách?
Phẫu thuật cắt bỏ lách được chỉ định thực hiện khi tất cả các biện pháp điều trị khác không đáp ứng hiệu quả. Tùy mức độ nghiêm trọng của cường lách, bệnh nhân sẽ được chỉ định được cắt một phần hoặc toàn bộ lá lách. Người bệnh có thể sống mà không cần lá lách. Tuy nhiên, vì lá lách đóng vai trò quan trọng trong khả năng chống lại một số vi khuẩn nhất định, nên không có nội tạng này sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.
Lá lách thực hiện nhiều vai trò và có thể dễ dàng bị tổn thương. Do vậy, trong trường hợp, lách to gây ra các biến chứng mà không thể điều trị được thì cắt bỏ là phương pháp hữu hiệu nhất. Nếu phẫu thuật cắt lách, hãy tuân thủ theo những lời dặn của bác sĩ để tránh những nguy cơ như nhiễm khuẩn, biến chứng sau phẫu thuật. Ngoài ra, còn có phương pháp xạ trị nhằm thu nhỏ lá lách sẽ hạn chế được tình trạng nhiễm trùng lá lách sau phẫu thuật.
4. Cường lách có nguy hiểm cho sức khỏe không?
Vai trò của lách trong cơ thể là lọc máu và loại bỏ các tế bào máu cũ hoặc bị hư hỏng. Lách là một cơ quan quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách sản xuất kháng thể và lưu trữ các tế bào miễn dịch. Vì vậy, khi bị cường lách có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi kích thước lách quá lớn, quá trình cấp máu cho cơ quan này bị ảnh hưởng. Khi lách không được cung cấp đủ máu, các tế bào lách sẽ bị hoại tử.
Cường lách có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Lách to dễ bị tổn thương hơn do va đập, chấn thương hoặc áp lực bên ngoài. Nếu lách bị vỡ, máu sẽ chảy vào ổ bụng, gây sốc và nguy hiểm đến tính mạng. Việc có cường lách có thể chỉ ra một số vấn đề nguyên nhân khác nhau, bao gồm các rối loạn chuyển hóa như bệnh Gaucher và bệnh Niemann-Pick, áp lực tĩnh mạch trong lá lách hoặc gan, hoặc cục máu đông trong tĩnh mạch.
Nếu nghi ngờ bị cường lách và có các triệu chứng khác như đau hoặc đầy bụng, nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị một cách chính xác.
5. Mắc bệnh ung thư có gây cường lách không?
Bệnh ung thư có thể gây cường lách. Lá lách phải thực hiện vai trò quan trọng trong quá trình lọc mọi chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi mắc bệnh ung thư, khối u có thể phát triển trên lá lách và gây ra sự phì đại của lá lách.
Hiện tượng cường lách trong trường hợp ung thư thường diễn ra khi khối u đã lan rộng và ảnh hưởng đến sức khỏe của lá lách. Điều này có thể xảy ra với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, ung thư phổi.
6. Nhiễm ký sinh trùng có gây cường lách?
Nhiễm ký sinh trùng là khi cơ thể bị lây nhiễm và sinh sản của các loại ký sinh trùng như giun, sán máng, amip và ký sinh trùng máu, gây ra các triệu chứng và biểu hiện khác nhau ở cơ thể. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng, một trong những phản ứng phòng ngừa của cơ thể là tăng cường hoạt động của lá lách, làm cho nó to ra. Tuy nhiên, điều này chỉ là một triệu chứng và không đủ để chẩn đoán bệnh.
7. Khi nào nên đi khám và khám bệnh ở đâu?
Biểu hiện đầu tiên của tình trạng cường lách ở bệnh nhân thông thường là sốt, đau nặng vùng hạ sườn phải nhiều, có người sốt rét run, vã mồ hôi nhiều, môi lưỡi khô. Tùy theo vị trí đau như bệnh nhân đau vùng lưng, tiểu rắt, tiểu buốt, ho đờm vàng đờm xanh tùy vị trí nhiễm trùng,... Bệnh nhân có thể có triệu chứng của thiếu máu như mệt mỏi, chóng mặt, ngủ hay mộng mị, sốt nhẹ ớn lạnh, sốt không rõ nguyên nhân,... Tuy nhiên đó chỉ là những triệu chứng kèm theo. Bản thân cường lách thường không có triệu chứng gì.
Để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra cường lách, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc gan mật. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và đưa ra chẩn đoán chính xác. Nên đi khám ở khoa tiêu hóa hoặc khoa huyết học bệnh viện tỉnh hoặc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để được tư vấn lựa chọn cách điều trị.
Sau khi xác định nguyên nhân gây cường lách, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cần duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và tăng cường giữ gìn sức khỏe tinh thần.
Khi đã bắt đầu điều trị, hãy theo dõi và đánh giá kích thước lá lách để xem liệu có sự cải thiện hay không. Thường xuyên kiểm tra với bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
8. Chi phí điều trị bệnh cường lách
Chi phí điều trị bệnh cường lách có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: Mỗi nguyên nhân gây bệnh cường lách sẽ có phương pháp điều trị khác nhau, dẫn đến chi phí khác nhau.
Bệnh ở giai đoạn đầu thường có chi phí điều trị thấp hơn so với giai đoạn muộn. Điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác nhau sẽ có chi phí khác nhau. Ngoài chi phí khám chữa bệnh, còn có thể có các chi phí phát sinh như thuốc men, vật tư y tế, xét nghiệm... Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật cắt lá lách. Để biết chính xác chi phí điều trị, nên đến các cơ sở y tế uy tín và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.