8 bài học dành cho hội chị em mới bắt đầu đi leo núi

Nếu muốn đi được xa, bạn hãy đi từng bước nhỏ. Những đoạn dốc rất dễ mỏi cơ, bạn nên đi ziczac để chắc chân và đỡ mệt hơn.

Có kinh nghiệm nhiều năm leo núi và dẫn du khách đi các cung đường từ Bắc đến Nam, anh Lâm Hoàng Tiến đã có những chia sẻ về bài học dành cho phái nữ khi mới tham gia leo núi.

Cung đường leo qua sống lưng khủng long đỉnh Tà Xùa (Yên Bái). Ảnh: Nguyễn Thu Hương.

Cung đường leo qua sống lưng khủng long đỉnh Tà Xùa (Yên Bái). Ảnh: Nguyễn Thu Hương.

1. Đừng mang nhiều đồ. Việc mang theo nhiều đồ khi đi leo núi sẽ khiến bạn bị đeo nặng và làm mệt bản thân nhanh chóng.

“Lên rừng điều kiện vệ sinh khá khó và mồ hôi chảy tong tong, cho nên chỉ cần sạch sẽ, bôi kem chống nắng thêm tí son là đủ xinh và nó đỡ nhớp nhớp”, anh Tiến nói.

Theo anh Tiến, tùy thời tiết nơi đến mà bạn xem xét nên mang đồ mỏng (kiểu áo gió) hay có lớp nỉ cách nhiệt. Thường đồ mặc leo núi thì một ngày một bộ, đồ ngủ thì 2 ngày/bộ.

2. Muốn đi được xa hãy đi từng bước nhỏ, tập trung và nhịp thở tối đa có thể. Đừng hỏi nhiều câu “sắp đến chưa anh/em” vì câu trả lời đa số là “5 phút nữa em/chị”, “sắp đến rồi em/chị”. Vì thường là “toàn lừa người thôi”, sắp đến có khi là cả một quãng đường dài 2 dãy núi.

Những đoạn dốc, đi thẳng rất mệt và mỏi cơ, vì vậy bạn nên đi ziczac sẽ chắc và đỡ mệt hơn. Bạn cũng có thể bám vào đá, vào cành cây hay tay anh em porter/guider để tiết kiệm sức.

Những năm gần đây, không chỉ nam giới mà số lượng nữ giới đam mê chinh phục các đỉnh núi ngày càng tăng. Bởi những cung đường đi gian khó là để mỗi người thử thách bản thân và khám phá vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên. Ảnh: trekking rừng Samu – Vua Ăn Mày.

Những năm gần đây, không chỉ nam giới mà số lượng nữ giới đam mê chinh phục các đỉnh núi ngày càng tăng. Bởi những cung đường đi gian khó là để mỗi người thử thách bản thân và khám phá vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên. Ảnh: trekking rừng Samu – Vua Ăn Mày.

3. Cắt ngắn móng tay và chân trước khi bạn bắt đầu một hành trình leo núi. Móng chân dài sẽ khiến bạn bị đau trong quá trình vượt núi, lội suối… thậm chí thối luôn ngón. Móng tay dài thì bám đường/cây toàn đất với cát.

Một kinh nghiệm anh Tiến chia sẻ rất bổ ích là lúc xuống dốc, mũi chân bạn nên đi nghiêng về trái hoặc phải để giảm đau ngón chân.

4. Một số vật dụng nhỏ nhưng thiết yếu khi đi: Găng tay hở tầm một đốt ngón tay, một đôi dép xốp nhẹ, xịt và thuốc bôi côn trùng cắn, một bịch khăn giấy để đi vệ sinh…

5. Về thời gian leo núi, bạn nên hạn chế đi mùa mưa, đường núi sẽ có nhiều vắt và rắn. Nhìn chung, thời điểm lý tưởng nhất để leo núi chính là mùa thu và đông, thời tiết khô ráo, nắng nhẹ ở cả 3 miền hoặc vào đông thì khí hậu lạnh khô ở miền Bắc.

Nhóm bạn của Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn vào tháng 11, khi những chiếc lá phong đã chuyển sang màu vàng, đỏ. Ảnh: Nguyễn Thu Hương.

Nhóm bạn của Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn vào tháng 11, khi những chiếc lá phong đã chuyển sang màu vàng, đỏ. Ảnh: Nguyễn Thu Hương.

6. Lưu ý khi ăn uống. Bạn chỉ nên ăn đồ mình mang theo và đồ ăn do do tour guide nấu cho đoàn khi đừng chân ở các lán trại. Không nên tò mò thử ăn hoa trái trong rừng.

7. Không xả rác. Con người cần thiên nhiên, và chúng ta nên cộng sinh cùng phát triển. Việc xả rác bừa bãi sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật cũng như hệ sinh thái nơi mỗi bước chân bạn đi qua.

8. Bạn không nên ham rẻ vài trăm khi chọn đơn vị dẫn tour, họ sẽ cắt phế rất nhiều mục và porter/guide đi theo đoàn. Tính mạng, sự an toàn quan trọng nhất vì vậy bạn cần cân nhắc và kỉem tra kỹ lịch trình của mình.

Thủy Nguyên

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/kinh-nghiem-di/8-bai-hoc-danh-cho-hoi-chi-em-moi-bat-dau-di-leo-nui-c29a85685.html
Zalo