794 giáo viên Hải Phòng được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thầy cô phấn khởi

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng giáo viên các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn Hải Phòng đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Sở Nội vụ Hải Phòng đã có văn bản số 1471/QĐ-SNV về việc công nhận kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ hạng II lên hạng I năm 2025.

Theo đó, Sở Nội vụ Hải Phòng công nhận kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đối với 794 người (trúng tuyển 789 người, không trúng tuyển 5 người).

Trong đó, bậc tiểu học có nhiều giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhất với 429 người. Tiếp đến là bậc trung học cơ sở với 245 thầy cô được thăng hạng. Bậc mầm non có 105 thầy cô được xét thăng hạng. Trong khi đó, bậc trung học phổ thông có ít thầy cô được xét thăng hạng nhất với 10 thầy cô.

Viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định; thời gian hưởng lương kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm và thời gian xét nâng bậc lương lần sau được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Các cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng của viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

 Nhiều giáo viên Hải Phòng vui mừng vì sau nhiều năm chờ đợi đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều giáo viên Hải Phòng vui mừng vì sau nhiều năm chờ đợi đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sở Nội vụ đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng theo quy định.

Thông tin này khiến nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường phổ thông ở Hải Phòng phấn khởi vì sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đi kèm với đó là quyền lợi về mức lương.

Cô B.A, giáo viên trung học cơ sở tại quận Ngô Quyền, một trong những giáo viên được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lần này phấn khởi cho biết: "Tôi rất vui mừng vì sau hơn 6 năm ở chức danh nghề nghiệp hạng II cuối cùng đã được tạo điều kiện xét thăng hạng lên hạng I. Thực tế tôi đã đủ điều kiện xét thăng hạng trước đó nhưng vì địa phương không tổ chức thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên luôn chậm trễ.

Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức xét thăng hạng trên cơ sở kế hoạch được Sở Nội vụ thẩm định, tuy nhiên các địa phương chưa chủ động tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mà trông chờ vào kế hoạch của thành phố nên việc xét thăng hạng theo quy định mới không được thực hiện. Điều này trước đó giáo viên chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều".

Trong khi đó, thầy H.P, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Lê Chân cho hay: "Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng Hải Phòng cũng có đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Ngay khi có thông tin này, chúng tôi đều rất vui mừng, phấn khởi. Nhiều thầy cô, trong đó có tôi cũng đã chờ đợi nhiều năm để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Khi được thăng hạng sẽ đi kèm nhiều quyền lợi mà quan trọng nhất là về mức lương. Điều này tạo động lực cho tôi cũng như các giáo viên nhà trường yên tâm công tác, ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn".

Mức lương của giáo viên từng cấp học đều quy định rõ từng hạng như giáo viên hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV. Mỗi hạng có mức lương khác nhau và chênh nhau khá lớn.

Sau khi tăng lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì giáo viên trung học phổ thông hạng III, mức lương dao động từ 5,475,600 - 11,653,200 đồng/ tháng; hạng II dao động từ 9,360,000 - 14,929,200 đồng/tháng; hạng I dao động từ 10,296,000 - 15,865,200 đồng/tháng.

Chính vì thế, nhiều thầy cô đều mong mỏi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp để có thể cải thiện mức lương.

Trước đó, nhiều giáo viên ở Hải Phòng đã phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng từ năm 2020 đến cuối năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, các quận, huyện không tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Điều này dẫn đến nhiều giáo viên dù đủ tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng không được thăng hạng kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương.

 Việc chậm được thăng hạng chức danh nghề nghiệp dù đủ tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương của giáo viên. (Ảnh: Lã Tiến)

Việc chậm được thăng hạng chức danh nghề nghiệp dù đủ tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương của giáo viên. (Ảnh: Lã Tiến)

Ngày 30/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.

Theo đó, điểm đổi mới đáng chú ý so với quy định cũ là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Ngoài ra, Thông tư mới quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học.

Như vậy, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.

Xem thêm danh sách 794 thầy cô được công nhận thăng hạng chức danh nghề nghiệp TẠI ĐÂY.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/794-giao-vien-hai-phong-duoc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-thay-co-phan-khoi-post250400.gd
Zalo