78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Những ngày này cách đây 78 năm, trước vận mệnh của dân tộc, với khát vọng, ý chí bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tháng 8/1945, nhân dân ta khởi nghĩa giành được chính quyền, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay lại chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Với khát vọng hòa bình, truyền thống trọng hòa hiếu, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thiện chí, sử dụng sách lược ngoại giao mềm dẻo, có nhiều bước nhân nhượng với thực dân Pháp để giữ nền độc lập và tránh chiến tranh.

Ngày 6/3/1946, ta ký với Pháp bản “Hiệp định sơ bộ”, theo đó, Pháp ngừng bắn ở Nam bộ, quân Pháp được vào Bắc bộ và Trung bộ; Pháp công nhận Việt Nam là “quốc gia tự do” nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Nhưng chúng không thi hành Hiệp định, không những không ngừng bắn mà còn lập chính phủ bù nhìn ở Nam bộ, chúng gọi là “nước Nam kỳ tự trị”; đồng thời, đánh chiếm miền Tây Nam Trung bộ hòng lập “nước Tây kỳ”. Ở phía Bắc, chúng nổ súng tấn công, đàn áp nhân dân ta ở Lai Châu, Sơn La, tìm cách thành lập cái gọi là “nước Thái”. Tương tự, chúng tạo cớ đánh chiếm Lạng Sơn, âm mưu lập “nước Nùng”; đánh chiếm miền duyên hải từ Móng Cái đến Hải Phòng, lập ra “Khu vực liên bang”. Thâm độc hơn nữa, chúng âm mưu thành lập Liên bang Đông Dương (gồm các vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên của Việt Nam và Lào, Campuchia)… Dã tâm của chúng muốn chia nhỏ đất nước ta để cai trị.

Ngày 14/9/1946, ta tiếp tục ký với Pháp một bản “Tạm ước”. Pháp nhất trí ngưng chiến và tôn trọng quyền tự do, dân chủ ở Nam bộ; còn ta thừa nhận quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp ở Việt Nam. Thi hành “Tạm ước” này, ta đã giao cho Pháp viện Pasteur ở Hà Nội và ngừng bắn ở Nam bộ. Ngược lại, Pháp trắng trợn sử dụng quân đội ráo riết truy bắt những người yêu nước ở miền Nam, lập bộ máy kiểm soát dân ta ở khắp các làng quê (như kiểu chính quyền bù nhìn), đó là “Ban hội tề”. Đồng thời, chúng phong tỏa Cảng Hải Phòng và ăn chặn nguồn thuế quan của ta, gây cho ta thêm điêu đứng về tài chính vốn đang khó khăn trong những ngày đầu độc lập.

Ngày 20/11/1946, chúng chủ động gây hấn ngăn cản ta thu thuế, bắn nhân viên thuế quan và công an của ta khi họ đang thực hiện nhiệm vụ. Cực chẳng đã, quân ta chống lại, lợi dụng cớ này, quân Pháp chiếm ngay Hải Phòng và cả Lạng Sơn, rồi chúng đổ thêm hàng nghìn quân vào Đà Nẵng. Vậy là, “Hiệp định sơ bộ” (6/3/1946) và “Tạm ước” (14/9/1946) đã bị phía Pháp hoàn toàn bội ước. Quân Pháp đã sử dụng vũ lực gây hấn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tình hình căng thẳng bị đẩy tới đỉnh điểm khi ngày 17/12/1946, quân Pháp đem đại bác, lựu đạn, súng liên thanh… tấn công tàn sát dân thường ở khu phố Yên Ninh (Hà Nội); ngày 18/12/1946, chúng đánh chiếm trụ sở của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính, ra “tối hậu thư” đòi Chính phủ ta phải tước vũ khí của tự vệ, dọa chiếm Sở Công an Hà Nội và giành quyền kiểm soát an ninh toàn Thành phố. Đặc biệt, sáng 19/12/1946, chúng lại gửi tiếp “tối hậu thư” nhắc lại việc đòi ta phải tước vũ khí các lực lượng vũ trang, dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường phố Thủ đô. Chúng ra điều kiện: nếu trong vòng 24 giờ (tức là chỉ trong ngày 19 và 20/12/1946) mà ta không thực hiện thì chúng sẽ hành động.

Trước bầu không khí chiến tranh đã cận kề, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhẫn nhịn để cứu vãn hòa bình. Người gửi tới Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Hà Nội là J. Xanhtơny một lời đề nghị cùng gặp gỡ để trao đổi nhằm tìm ra giải pháp để cải thiện tình hình, nhưng J. Xanhtơny từ chối bằng cách trả lời rằng chưa gặp được vào ngày 19/12/1946! Trung ương Đảng nhận định: “Thực dân Pháp cắt đứt mọi đường đàm phán và cố tình gây chiến tranh xâm lược nước ta”. Ngày càng hung hăng, lấn tới, Pháp đã nổ súng gây đổ máu giữa lòng Thủ đô Hà Nội, xung đột Việt - Pháp đã lan khắp lãnh thổ Việt Nam!

Trước tình thế cách mạng của một cuộc chiến tranh “không thể tránh khỏi” và không có sự lựa chọn nào khác, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!” [Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.534].

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tuy ngắn gọn nhưng là một văn kiện quan trọng mang tính khái quát, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi đã thổi vào lòng mỗi người dân Việt Nam tinh thần đoàn kết, sắt son một lòng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không chỉ có giá trị lịch sử to lớn hiệu triệu toàn dân tham gia kháng chiến góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là cơ sở để Đảng ta xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng, nhất là nghệ thuật khơi dậy, phát huy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí quyết tâm và tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến vĩ đại mà nhân dân ta tiến hành. Đó là lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh là chính nhưng thắng lợi tất yếu thuộc về chính nghĩa, “nhất định về dân tộc ta”. Lời kêu gọi đó kết tinh ý chí, khát vọng, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam; là sự gặp gỡ giữa lòng Dân với ý Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lên bằng những lời lẽ hết sức ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhưng vô cùng chính xác. Nó khái quát rõ diễn biến tình hình đất nước những tháng ngày qua, vạch rõ bản chất kẻ xâm lược, giúp nhân dân ta nhận rõ mặt kẻ thù; xác định rõ mục tiêu, phương châm, phương thức, lực lượng kháng chiến; đồng thời chỉ rõ cội nguồn sức mạnh và kết cục thắng lợi của dân tộc ta. Sức mạnh đó được hun đúc không những bởi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trải hàng nghìn năm lịch sử, mà còn bởi chính sự nín nhịn đến tột cùng của từng người dân, của Đảng, của Bác Hồ trong quá trình tiếp xúc, thương lượng với quân xâm lược, phải nhân nhượng hết điều này đến điều khác chỉ nhằm giữ lấy điều thiêng liêng, cao quý nhất, giữ lấy quyền cơ bản của con người, của dân tộc ta, đó là “độc lập, tự do”. Đúng như lời đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng lúc đó, viết trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” rằng: “Nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên!” [Cục Tư tưởng văn hóa - Tổng cục Chính trị, Kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/1996), tr.15].

Thế hệ chúng ta hiện nay không phải chịu cảnh nô lệ, lầm than và nỗi tủi nhục của người dân mất nước thuở ấy; không chứng kiến cảnh gian khổ, chiến đấu hy sinh của thế hệ ông cha với sự thiếu thốn trăm bề những ngày đầu khai sinh nền độc lập; nhưng qua các nhân chứng, sách báo, tài liệu lịch sử truyền lại, chúng ta vẫn cảm nhận đầy đủ, chân thực không khí của những tháng ngày hào hùng quân dân cả nước đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết và trước hết, dốc lòng chiến đấu vì đại nghĩa, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã khẳng định vị thế của Việt Nam, một dân tộc văn hiến và anh hùng, kiên cường, bất khuất đấu tranh chống áp bức, bất công, xâm lược, quyết tâm chiến đấu vì chính nghĩa, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa khỏi ách thực dân, đế quốc; dân tộc đó xứng đáng được hưởng tự do, xứng đáng được độc lập như lời Bác Hồ từng tuyên bố.

Hôm nay, sau 78 năm nhìn lại, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cùng với thắng lợi huy hoàng của cách mạng Việt Nam cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc: Đó là bài học về sự nhất quán, kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến”, linh hoạt, mềm dẻo trong ứng phó với tình hình, trong quan hệ với đối phương, thậm chí là nhân nhượng ở những mức độ nhất định trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc là không thể (và không bao giờ) thay đổi; bài học về nắm vững tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, chủ động và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc. Bài học về phát huy ý chí tự lực cánh sinh, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về công tác tổ chức chuẩn bị kháng chiến, phối hợp hoạt động trên các chiến trường, các vùng chiến lược, đánh giặc bằng thế trận chiến tranh nhân dân, kìm chân địch, căng địch ra để đánh, không cho chúng có cơ hội tập trung, hạn chế tối đa sức mạnh binh - hỏa lực của chúng; bài học về nắm và chọn thời cơ, thời điểm phát động cuộc kháng chiến, chuyển đất nước vào trạng thái chiến tranh với tâm thế chủ động và sẵn sàng cao nhất, giành và giữ quyền chủ động trong suốt cuộc chiến tranh; bài học về kết hợp tác chiến với công tác binh địch vận, chủ trương đánh vào lòng người (“mưu phạt tâm công”), phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng trong nước với quốc tế (kiều bào Việt Nam ở các nước, các bậc nhân sĩ trên thế giới và với cả nhân dân Pháp, binh lính Pháp)...

“Lời kêu gọi kháng chiến cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một khẩu hiệu hành động, một phương châm sống của mỗi người dân Việt Nam từ trẻ đến già, không chỉ trong thời điểm lịch sử đó mà còn vượt qua thời gian, dẫn dắt dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; đồng thời, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm tháng đã qua đi, nhưng âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn mãi với thời gian, tiếp tục soi rọi, lan tỏa, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, tạo động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục lập nên những chiến công xuất sắc, cùng toàn dân bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN QUỐC DUY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/78-nam-ngay-chu-tich-ho-chi-minh-ra-loi-keu-goi-toan-quoc-khang-chien-ccc1f7c/
Zalo