715.617 ý kiến trong hệ thống MTTQ tán thành với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Chiều 20/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống MTTQ Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN phát
Thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
Trình bày báo cáo bước đầu tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nêu rõ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bài bản. Đến nay, MTTQ các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 6.558 hội nghị để thảo luận, lấy ý kiến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thành viên của mỗi tổ chức. Cùng với quá trình tổ chức lấy ý kiến, MTTQ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, nhất là tham gia ý kiến qua các ứng dụng VneID do Bộ Công an triển khai.
Đối với kết quả sơ bộ lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, ông Hoàng Công Thủy nêu rõ: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ban Thường trực nhận thấy ý kiến thảo luận, góp ý rất tập trung, đi thẳng vào các nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Qua thống kê số liệu, đã có tổng số 717.712 ý kiến đóng góp, trong đó có 715.617 ý kiến tán thành, 2.095 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Đối với kết quả góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đối với các quy định liên quan tới MTTQ Việt Nam, có tổng số 89.998 ý kiến góp ý vào Điều 9, đối với Điều 10 có tổng số 87.624 ý kiến. Tổng số có 82.963 ý kiến góp ý, trong đó có 82.833 ý kiến tán thành, 130 ý kiến tán thành và có sửa đổi, hoàn thiện hơn.
Nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp và đều cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; bổ sung quy định các tổ chức chính trị - xã hội "trực thuộc" MTTQ Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 có tính đột phá, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là với Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bên cạnh đó, còn nổi lên một số ý kiến trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến, bao gồm cả ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ 9. Cụ thể, một số ý kiến đề nghị diễn đạt lại nội dung tại khoản 1 ngắn gọn, logic hơn; cân nhắc vị trí đặt cụm từ "do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo" một cách hợp lý, hài hòa với các nội dung khác để bảo đảm tính chặt chẽ và chuẩn mực của Hiến pháp; đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung "MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo" vào khoản 1 vì tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành đã quy định về nội dung này; đề nghị thay cụm từ "MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị…" bằng cụm từ "MTTQ Việt Nam là bộ phận trong hệ thống chính trị…".
Một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng cụm từ "trực thuộc MTTQ Việt Nam" tại khoản 2 vì mang tính chất hành chính, trong khi 5 tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức mang tính liên hiệp tự nguyện; MTTQ Việt Nam không có chức năng lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nên các tổ chức chính trị - xã hội không "trực thuộc" hoặc "thuộc" MTTQ Việt Nam. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ "trực thuộc MTTQ Việt Nam" vì cụm từ "được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam" đã thể hiện nội dung này hoặc thay bằng quy định các tổ chức này là "thành viên cốt lõi" của MTTQ Việt Nam.
Đồng thời, một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của 5 tổ chức chính trị - xã hội vì các tổ chức chính trị - xã hội này cũng là một bộ phận của hệ thống chính trị. Có ý kiến cho rằng, hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đầu mối về MTTQ Việt Nam. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp năm 2013 quy định về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; việc mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan để bảo đảm thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương, ông Hoàng Công Thủy cho biết: Có tổng số 82.374 ý kiến góp ý vào Điều 110; Điều 111 có tổng số 80.330 ý kiến góp ý; Điều 112 có tổng số 80.140 ý kiến góp ý; Điều 114 có tổng số 78.855 ý kiến góp ý; Điều 115 có tổng số 79.989 ý kiến góp ý. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị quyết và đã bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu, góp ý còn tập trung vào Điều 110, Điều 115 như: Đề nghị quy định rõ đơn vị hành chính 3 cấp trung ương, tỉnh, xã, phường tương tự Điều 110 Hiến pháp năm 2013, không nên sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh". Cần tiếp tục quy định "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" như khoản 3 Điều 110 Hiến pháp hiện hành để thể hiện sự dân chủ, quyền lợi chính đáng của người dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề nghị giữ lại quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân vì đây là 2 đối tượng cần được chất vấn, không thể chỉ vì không còn chính quyền cấp huyện mà không giữ quyền này để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân...
Đổi mới tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN phát
Để tiếp tục thảo luận, làm sâu sắc hơn các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013, tại hội nghị, các đại biểu góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013; mong muốn xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cao chủ trương của Đảng về tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị của nước ta theo mục đích tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
"Để thực hiện chủ trương này, Đảng đề ra là chúng ta phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó có Hiến pháp là đạo Luật gốc của đất nước. Để một mặt mở đường để chúng ta thực hiện chủ trương này, nhưng mặt khác nó là cơ sở hiến định vững chắc để chúng ta thực hiện mà không có thế lực nào có thể xuyên tạc, chống phá được. Vì Hiến pháp thể hiện chủ quyền quốc gia và chúng ta tiếp tục giữ vững nguyên tắc đó và tiếp sửa đổi một số điều để chúng ta mở đường cho việc thực hiện chủ trương này" - Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường nói.
Thảo luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, trong đó có bổ sung những quy định mới nhằm thể chế hóa vai trò, vị trí và chức năng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt việc quy định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội… tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết là rất hợp lý.
Tán đồng với những điểm mới tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013, ông Hưng nhận định việc quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, không cần thay đổi vì với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam chính là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống chính trị của nước ta không một tổ chức nào có thể "vươn lên" để đảm nhận được vai trò đó.
Quan tâm đến các điểm mới tại Điều 9, Điều 10 của dự thảo Nghị quyết, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần có cách hiểu về cụm từ "trực thuộc". Trên thực tế vẫn có quy định rằng Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ; trong các Bộ có các cơ quan thuộc và trực thuộc. Nếu dùng từ "thuộc" thì cơ quan đó không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, không có tài khoản, còn khi là cơ quan "trực thuộc" sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản. Tiếp cận theo góc độ này, việc sử dụng cụm từ "trực thuộc" là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động có tính độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với những băn khoăn về việc dùng cụm từ "trực thuộc" trong quy định của Hiến pháp sẽ mang nặng tính "hành chính hóa", ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm: Việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam chính là để khắc phục tình trạng hành chính hóa cho hoạt động của các tổ chức này. Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ "dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam" tại khoản 2 Điều 9 cũng không mang tính phân biệt "trên - dưới" như một số ý kiến khác phát biểu tại một số Hội nghị. Mặt khác, quy định này đảm bảo sự lãnh đạo, tập trung về một mối giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giúp cho bộ máy trở nên tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...