70 năm thành lập ngành Giáo dục Hà Nội: Bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu

Khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hiện đã phát triển cả về 'lượng' và 'chất', luôn tiên phong đổi mới và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế.

Dịp Thủ đô kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), cũng là dấu mốc đặc biệt đối với thầy và trò ngành Giáo dục Hà Nội khi tròn 70 năm xây dựng và phát triển của ngành.

Hưởng ứng đợt phát động thi đua toàn ngành, dịp này, học sinh Thủ đô đã giành nhiều thành tích ấn tượng, tiếp tục khẳng định vị thế của giáo dục Thủ đô đã duy trì nhiều năm nay.

Nâng thứ hạng

70 năm qua, cùng với sự phát triển bền vững của Thủ đô, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Toàn thành phố hiện có 2.913 trường học với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 cán bộ, giáo viên. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, góp phần nâng thứ hạng của giáo dục Hà Nội.

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội năm 2024 tăng 5 bậc so với năm 2023. Ảnh: Quang Thái

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội năm 2024 tăng 5 bậc so với năm 2023. Ảnh: Quang Thái

Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố). Đáng chú ý, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở khối giáo dục thường xuyên Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước. Đây là kết quả cao nhất của Hà Nội trong 5 năm qua ở ngành học giáo dục thường xuyên.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, thời gian qua, không chỉ giáo dục đại trà, mà giáo dục mũi nhọn của thành phố cũng ghi những dấu ấn xuất sắc. Đặc biệt, trong những ngày nhân dân Thủ đô tưng bừng với nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, học sinh Thủ đô liên tục giành nhiều thành tích xuất sắc, ghi dấu ấn tự hào đối với bạn bè các nước.

Tham dự kỳ thi toán và khoa học quốc tế từ ngày 1-10 đến 6-10, 100% thành viên đoàn học sinh Thủ đô gồm 24 em đều đạt giải, trong đó, có 2 giải xuất sắc nhất ở bài thi khám phá và bài thi lý thuyết, 9 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng (tăng 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc so với kết quả đạt được tại kỳ thi năm 2023). Với thành tích này, đoàn Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn - cũng là thành tích cao nhất từ trước tới nay mà học sinh Hà Nội, đại diện học sinh cả nước tham dự kỳ thi này đạt được.

Đoàn học sinh Hà Nội dự thi Olympic toán và khoa học quốc tế năm 2024 đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Thống Nhất

Đoàn học sinh Hà Nội dự thi Olympic toán và khoa học quốc tế năm 2024 đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Thống Nhất

Năm 2024 cũng là năm Hà Nội có sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn khi có 2 học sinh giành Huy chương vàng Olympic quốc tế, gồm: Đặng Nguyễn Tuấn Anh, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An giành Huy chương vàng Olymic sinh học và Trần Đăng Khôi, giành Huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế.

Tham dự Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế năm nay, học sinh Hà Nội đạt 2 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng. Đây là lần đầu tiên, 100% thành viên đoàn dự thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế của Việt Nam đều đạt huy chương, kể từ khi tham dự kỳ thi này lần đầu vào năm 2016.

Giảm khoảng cách chất lượng giữa các địa bàn

Theo ông Trần Thế Cương, thành tích rực rỡ của đội tuyển học sinh Hà Nội tại kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế năm 2024 là món quà ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Kết quả mà học sinh Hà Nội đạt được tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế năm 2024 cũng như trong nhiều năm qua không chỉ thể hiện sự nỗ lực cố gắng, khả năng vượt trội về tư duy, kiến thức của học sinh, mà là minh chứng khẳng định chất lượng dạy học giữa các nhà trường ở địa bàn quận với huyện và giữa các nhà trường công lập với trường ngoài công lập.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội động viên, khích lệ học sinh trước kỳ thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế năm 2024. Ảnh: Thống Nhất

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội động viên, khích lệ học sinh trước kỳ thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế năm 2024. Ảnh: Thống Nhất

Những năm gần đây, trong bảng thành tích dạy tốt, học tốt của ngành, bên cạnh những tên trường chuyên, trường công lập đại trà vốn có truyền thống, đã xuất hiện nhiều tên trường công lập đại trà ở địa bàn huyện. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024, thành tích của hai học sinh “trường làng” khiến không ít người nể phục, trong đó, học sinh Đỗ Chí Tiến, Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) đạt giải Ba môn địa lý; em Vũ Thế Sơn, Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (huyện Thạch Thất) đạt giải Nhì môn vật lý.

Cả hai trường đều nằm ở địa bàn rất khó khăn với điểm đầu vào thấp, trong đó, Trường Trung học phổ thông Minh Quang luôn có điểm đầu vào thấp nhất thành phố trong suốt 10 năm thành lập - từ 2014 tới nay. Kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm nỗ lực vượt khó để dạy tốt, học tốt của cô và trò, mà còn khẳng định hiệu quả từ chủ trương quan tâm đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu của thành phố Hà Nội, trong đó luôn ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống trường ngoài công lập của thành phố cũng ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân Thủ đô, giảm áp lực cho hệ thống trường công lập trong mỗi mùa tuyển sinh khi mà số lượng học sinh hằng năm tăng từ 40.000 đến 50.000 em.

Nhiều tên trường ngoài công lập đã trở thành địa chỉ được phụ huynh học sinh tin tưởng, luôn mong muốn gửi con theo học như: Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Newton; Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Ngôi sao Hà Nội - Hoàng Mai; Trường phổ thông liên cấp Olympia; Trường phổ thông liên cấp Marie Curie...

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Ngày mới thành lập, toàn ngành chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, đáp ứng được cho khoảng 20% số trẻ em đến trường; khoảng 90% người dân Hà Nội không biết chữ.

Thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội gửi thông điệp hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024. Ảnh: Thống Nhất

Thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội gửi thông điệp hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024. Ảnh: Thống Nhất

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, vượt lên mọi khó khăn, với sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền và tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực của nhân dân, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội ngày càng đạt kết quả tốt, tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đến nay, Hà Nội là một trong số ít các địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Kết quả phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được củng cố.

Khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hiện nay đã phát triển cả về “lượng” và “chất”, luôn tiên phong đổi mới và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế. Thành quả đó có được từ sự nhất quán, kiên trì trong thực hiện chủ trương coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong mọi giai đoạn.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/70-nam-thanh-lap-nganh-giao-duc-ha-noi-but-pha-manh-me-khang-dinh-vi-the-dan-dau-680765.html
Zalo