70 năm sống mãi với 'Ký ức không phai'
Ngày 23-11, tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức chương giao lưu giới thiệu ấn phẩm Ký ức không phai nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyển quân tập kết (1954 - 2024). Cuốn sách được chấp bút bởi các cán bộ, học sinh miền Nam trong đợt tập kết ra Bắc năm 1954 - 1955 nên chứa đựng nhiều câu chuyện đầy cảm xúc về những năm tháng 'ngày Bắc, đêm Nam'.
Việc ký kết Hiệp định định Genève vào tháng 7-1954, sau 75 ngày đêm đàm phán và 31 phiên họp là cột mốc không thể quên được trong lịch sử, mang đến thắng lợi cho dân tộc Việt Nam, đồng thời dẫn đến việc chuyển quân hai bên trong 300 ngày, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Dẫu thế, không thể phủ nhận sự chia cắt đất nước ngày ấy luôn là nỗi đau âm ỉ trong mỗi gia đình, khi vợ chồng, cha mẹ, con cái phải chia lìa mà không hẹn ngày đoàn tụ. Trong khát vọng thống nhất, mỗi người con miền Nam ra đi mang trong mình những nỗi niềm riêng, nhưng đều chung nhau lòng quyết tâm, ra sức phấn đấu học tập và đóng góp cho công cuộc kiến thiết nước nhà.
Những ký ức sống động về khoảng thời gian tập kết ở miền Bắc của những học sinh miền Nam đã được 29 tác giả gửi gắm qua 58 bài viết trong sách. Ký ức không phai được chia thành 3 phần: Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ; Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và đoàn tụ; Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức.
Sách là nơi những người con hai miền Nam, Bắc kể lại hồi ức về những tình cảm chân phương, nồng hậu đã nhận được nơi phương xa. Trong đó, có một số thầy cô miền Bắc đã gắn bó gần như cả tuổi thanh xuân của mình với các học sinh miền Nam, như thầy Lê Ngọc Lập, cô Lê Thúy Quyến, thầy Nguyễn Quốc Thái…
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện sách, nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho biết: “Cái khó của chúng tôi là phải có những bài mới, cái dễ của chúng tôi là tổng hợp những bài đã in trước đó ở trên báo hoặc trong sách. Khi làm những bài mới thì chúng tôi phải chờ, chờ để có thêm sự kiện và nhân vật. Thời gian rất gấp, chúng tôi lại cứ phải bổ sung với nhà xuất bản rất nhiều. Nhưng tôi nói rằng không có dịp nào để làm quyển sách như thế này nữa, một quyển sách mà trong đó phải cho người ta hiểu, chỉ trong vài trang thôi, thế nào là Hiệp định Genevè”.
Với khoảng 450 trang sách, Ký ức không phai chứa đựng tư liệu lịch sử liên quan đến Hiệp định Genevè 1954, những con đường đến đất Bắc đầy thử thách của những người con miền Nam, những bức thư lần đầu được công bố của Đại tướng Lê Đức Anh gửi con gái Lê Xuân Hồng.
Chia sẻ về vai trò của những câu chuyện được kể lại trong sách, TS Nguyễn Thị Hậu nói: “Lịch sử không phải chỉ là những trang chính sử, lịch sử còn là số phận của từng gia đình, từng con người. Có lẽ lịch sử nước ta dần sẽ viết được đến mức cặn kẽ, đến mức miêu tả lại được số phận của từng gia đình, từng con người. Có như vậy, chúng ta mới có được những bài học lịch sử thực sự.”
Để những ký ức được sống mãi, chỉ nhớ đến và kể lại thôi là chưa đủ, nhưng luôn cần có sự bổ sung và làm mới mỗi ngày, để câu chuyện quá khứ được trọn vẹn và lan tỏa. Đó cũng chính là tinh thần mà các tác giả muốn gửi gắm vào Ký ức không phai. Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, sự ra đời của sách Ký ức không phai là hoạt động đầu tiên thuộc đề án “Gìn giữ và phát huy giá trị của học sinh miền Nam trên đất Bắc”.
Nhân dịp kỷ niệm 70 ngày tập kết, trước sự có mặt của những học sinh miền Nam thân thương, đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng chia sẻ: “Tôi thật xúc động, bao nhiêu nhiêu kỷ niệm đẹp ùa về. Mong các bạn hãy cùng chúng tôi, chúng ta ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua, một thời đã qua rất lâu nhưng tôi tin chắc chắn rằng không ai có thể quên được”.
Ký ức không phai không chỉ là nơi lưu giữ những ngày tháng thấm đẫm ân tình của người con miền Nam, mà còn là những bài học quý giá cho thế hệ mai sau. Buổi giao lưu và giới thiệu sách hôm nay thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, đó cũng là tiền đề cho việc lưu giữ và lan tỏa những giá trị lịch sử quý giá.