70 năm - những bước chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô - Bài 1: Phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh và bền vững

Sau 70 năm giải phóng và hơn 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, và bền vững. Tiếp tục khẳng định là vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội đang vươn tầm phát triển với những tuyến đường vành đai hiện đại. Ảnh: Quang Vinh.

Hà Nội đang vươn tầm phát triển với những tuyến đường vành đai hiện đại. Ảnh: Quang Vinh.

Top đầu về kinh tế

70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo số liệu từ Sở Tài chính Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 379 nghìn tỷ đồng, đạt 92,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, đến nay Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, bất chấp những khó khăn do tác động của Covid-19, kinh tế Hà Nội đã dần phục hồi, tăng trưởng bình quân 2021-2023 gấp 1,16 lần mức tăng chung của cả nước. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán; phát triển văn hóa được chú trọng, công nghiệp văn hóa đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, năm 1954 nền kinh tế của Hà Nội khá èo uột, thu nhập bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác. Nhưng đến nay Hà Nội thường dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TPHCM.

Sau 70 năm, đánh giá về diện mạo Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho biết, Hà Nội với diện mạo văn minh, hiện đại đang dần hiện hữu. Kết cấu hạ tầng được xây dựng hiện đại, đã sử dụng, khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các cầu vượt sông Hồng, biểu tượng mới của Hà Nội.

“Chúng ta có thể tự hào về những gì diện mạo cảnh quan Hà Nội đạt được, góp phần tạo nên vai trò, vị thế mới của Thủ đô, phát huy được giá trị văn hóa lịch sử tích lũy qua hàng nghìn năm. Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để Thủ đô có đột phá. Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại - bền vững” sẽ từng bước hiện hữu, đáp ứng mong muốn của cả nước và bạn bè quốc tế”- ông Nghiêm bày tỏ.

Thiết lập “vòng tròn lan tỏa” trong phát triển kinh tế

Trong phát triển kinh tế, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh quan điểm: Phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước theo định hướng của Quy hoạch Quốc gia và các Nghị quyết của Trung ương.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, do đó, một nền kinh tế năng động không chỉ quan tâm đến tăng trưởng mà còn phải chú trọng phát triển bền vững, hài hòa với môi trường. Và điều đó cũng đặt ra các bài toán hiện tại cho Hà Nội trong phát triển kinh tế Thủ đô sau 70 năm phát triển.

Để kinh tế Thủ đô thực sự phát triển bền vững trong thời gian tới, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn bởi đây là xu hướng tất yếu. Chủ trương đã đúng, mục tiêu đã rõ, Hà Nội có lợi thế trong công nghiệp, nông nghiệp, nhưng để phát huy được thế mạnh của mình thì cần rà soát, có cơ chế chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai để thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Theo bà An, kinh tế tuần hoàn nằm trong kinh tế xanh. Xanh ở đây chính là phát triển bền vững dựa trên 3 yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường. Cho nên tuần hoàn là hướng đi để thực hiện kinh tế xanh, và đạt được đến xanh chính là phát triển bền vững.

Hà Nội đang có lợi thế mạnh hơn nhiều so với các địa phương khác như: thu ngân sách lớn, vấn đề về chất xám, khoa học công nghệ khi đội ngũ trí thức nhà khoa học sinh sống tại Hà Nội rất lớn. Nhất là vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó đã có các cơ chế chính sách để Hà Nội có thể đột phá. Ngay khoa học công nghệ hay thu hút đầu tư cũng đều bắt nguồn từ con người, nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội có quyền thu hút nhân tài, có thể trả lương cao hơn, cho nên cần thu hút người tài để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công thương) nhìn nhận mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Trong đó, đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa. Về thế mạnh kinh tế, Hà Nội là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó với việc chuyển dịch thành thành phố xanh, sạch, thông minh, hiện đại, nếu thành công Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong khu vực và cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) nêu quan điểm, để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống và làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện.

Ông Hoàng cũng khuyến nghị, Hà Nội nên có mô hình “một vòng tròn lan tỏa” để phát triển kinh tế. Công nghiệp gắn với nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch. Tất cả gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. Lấy sự sống an lành, xanh sạch, hạnh phúc, mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội để làm mục tiêu phát triển, từ đó Hà Nội làm hình mẫu để phát triển ra cả nước.

Theo số liệu thống kê dân số trung bình được cập nhật của Tổng cục Thống kê, dân số TP Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người, đông thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2050: Quy mô dân số thường trú từ 13 triệu đến 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người đạt từ 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85% vào năm 2050.

(còn nữa)

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/70-nam-nhung-buoc-chuyen-minh-manh-me-cua-thu-do-bai-1-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-xanh-va-ben-vung-10291637.html
Zalo