7 tháng đầu năm, Việt Nam chi 110 triệu USD để nhập khẩu cà phê

Là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới nhưng trong 7 tháng qua Việt Nam cũng chi 110 triệu USD để nhập cà phê phục vụ cho hoạt động chế biến.

Theo báo Công Thương, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu cà phê từ các nước lân cận như Indonesia, Lào, Thái Lan, Brazil, Bỉ.... Điều này đã được dự báo từ cuối tháng 4/2024 trong cuộc họp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) lý giải, Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều năm nay, cũng như các nông sản khác (gạo, hạt điều…) từ các nước về chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Như cà phê nhân, Việt Nam nhập khẩu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như cà phê Arabica. Việt Nam nhập loại cà phê này từ Lào do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam. Cà phê Arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn đối với cà phê chế biến, những năm gần đây hệ thống chuỗi cà phê trong nước phát triển, nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có mặt và mở chuỗi khắp các thành phố lớn tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cà phê này phần lớn nhập khẩu cà phê đã chế biến như cà phê rang xay, cà phê hòa tan.

Ở chiều xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 62 nghìn tấn cà phê, đem về 340 triệu USD. Lũy kế 7 tháng năm 2024, cả nước đã xuất khẩu 964 nghìn tấn cà phê, kim ngạch 3,54 tỷ USD, giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng vọt 30,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Theo VICOFA, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 148.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023/2024 (từ tháng 8 đến đến hết tháng 9), cho đến khi niên vụ mới bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 năm nay. Nguồn hàng cà phê cho xuất khẩu đang trông chờ vào niên vụ thu hoạch mới.

Cà phê Việt Nam hiện rất "hot" vì nguồn cung khan hiếm, mà các "ông lớn" như Đức, Ý, Nhật Bản luôn "săn lùng" loại nông sản này. Chính vì nguồn cung ít nên cà phê Việt rất có giá, đầu tháng 7, Hungary tìm mua cà phê Việt với mức giá trung bình rất cao là hơn 6.800 USD/tấn, hay Israel mua với mức gần 6.100 USD/tấn.

Cũng theo Chủ tịch VICOFA, với các thị trường như Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc... mức giá nhập khẩu đã tăng lên khoảng 30% so với năm trước. Vì thế, các thị trường này đều nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu cà phê Việt có kim ngạch 100 triệu USD.

Theo Vietnam+, trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia chủ lực về xuất khẩu cà phê, với số lượng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, với 1,63 triệu tấn.

Với hương thơm quyến rũ đặc biệt, hạt cà phê được rang đậm, vị chua nhẹ có độ sánh từ nguồn nguyên liệu cà phê Robusta Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam thường được sử dụng để pha chế ra những thức uống phong phú và độc đáo. Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,63 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng 4,6% về giá trị, lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD. VICOFA dự báo xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể thiết lập mốc kỷ lục 5,5 - 6 tỷ USD.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/7-thang-dau-nam-viet-nam-chi-110-trieu-usd-de-nhap-khau-ca-phe-204240805190938059.htm
Zalo