7 nhiệm vụ ngành VH,TT&DL cần bứt phá năm 2025
Ngành VH,TT&DL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh.
Ngày 18/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) năm 2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ VH,TT&DL, cùng hơn 770 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024 , thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh.
Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh. Hoạt động công nghiệp văn hóa có nhiều điểm sáng với nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc.
Du lịch phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước dịch Covid-19, đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; 110 triệu lượt khách nội địa, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023…
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tổng quát những thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, đối ngoại, an ninh, an sinh xã hội đã đạt được trong năm 2024.
Thủ tướng nêu rõ, 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước…
Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà ngành VH,TT&DL cần tập trung thực hiện:
Thứ nhất: Tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện các thiết chế VH,TT&DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành; có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê; khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.
Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…
Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH,TT&DL.