7 lý do khiến Indonesia vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu
Tiêu thụ nhiên liệu của Indonesia tiếp tục tăng theo từng năm do dân số tăng và kinh tế mở rộng. Ngành vận tải, với số lượng xe cơ giới ngày càng tăng, là lĩnh vực có mức tiêu thụ nhiên liệu lớn.
Theo nhận định của tờ Tempo đưa ra ngày 14/1, Indonesia là quốc gia quần đảo được ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhưng vẫn là nước nhập khẩu dầu. Nghịch lý này thường đặt ra câu hỏi, tại sao một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào lại cần nhập khẩu nhiên liệu. Theo tờ Tempo, có 7 lý do khiến Indonesia không thể ngừng nhập khẩu dầu.
* Một là, công suất hạn chế của các nhà máy lọc dầu
Một trong những lý do chính là sự thiếu hụt của các nhà máy lọc dầu của Indonesia. Hầu hết các nhà máy lọc dầu hiện có, như ở Cilacap, Balikpapan và Balongan, được xây dựng trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đến những năm 1990, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng lực chế biến không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Dữ liệu cho thấy các nhà máy lọc dầu quốc gia chỉ có thể xử lý khoảng 700.000 thùng dầu thô đến 800.000 thùng dầu thô mỗi ngày, trong khi nhu cầu nhiên liệu trong nước đạt khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Sự thiếu hụt này buộc phải nhập khẩu nhiên liệu để bù đắp khoảng cách.
* Hai là, tiêu thụ nhiên liệu tăng
Tiêu thụ nhiên liệu của Indonesia tiếp tục tăng theo từng năm do dân số tăng và kinh tế mở rộng. Ngành vận tải, với số lượng xe cơ giới ngày càng tăng, là lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào mức tiêu thụ nhiên liệu.
Theo trang web chính thức của Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia (ESDM), mức tiêu thụ nhiên liệu tăng trung bình 4-5%/năm. Sự tăng trưởng này vượt xa mức tăng của cả sản lượng dầu thô và công suất chế biến của nhà máy lọc dầu, khiến việc nhập khẩu trở nên không thể tránh khỏi.
* Ba là, sản lượng dầu thô giảm
Mặc dù có trữ lượng dầu, sản lượng dầu thô của Indonesia đã có xu hướng giảm trong vài thập kỷ qua. Sự suy giảm này bắt nguồn từ việc giảm trữ lượng tại những giếng dầu đã khai thác, đặc biệt là ở các khu vực như Riau, Đông Kalimantan và Nam Sumatra.
Dựa trên các báo cáo của ESDM, việc thiếu đầu tư vào việc thăm dò và phát triển các giếng mới là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm vấn đề này. Do đó, năng lực sản xuất dầu thô trong nước đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu nội địa.
* Bốn là, cơ sở hạ tầng năng lượng hạn chế
Ngoài công suất lọc dầu hạn chế, Indonesia còn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng hỗ trợ, chẳng hạn như đường ống phân phối và cơ sở lưu trữ nhiên liệu. Tình trạng này cản trở việc phân phối nhiên liệu hiệu quả từ các nhà máy lọc dầu đến người tiêu dùng cuối cùng nên nhập khẩu trở thành giải pháp thực tế hơn trong ngắn hạn.
* Năm là, sự phụ thuộc vào nhiên liệu được trợ cấp
Sự phụ thuộc của Indonesia vào nhiên liệu được trợ cấp, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu, làm phức tạp việc áp dụng các nguồn năng lượng thay thế hoặc nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, trợ cấp nhiên liệu lớn gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu trở thành giải pháp duy trì sự ổn định nguồn cung với mức giá phải chăng.
* Sáu là, sự chậm trễ trong việc đa dạng hóa năng lượng
Việc triển khai các nguồn năng lượng mới và tái tạo vẫn chậm chạp. Việc phát triển năng lượng sinh học, khí đốt tự nhiên và điện như nhiên liệu thay thế vẫn gặp nhiều thách thức, bao gồm cơ sở hạ tầng chưa chuẩn bị và chi phí đầu tư ban đầu cao. Do đó, Indonesia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu.
* Bảy là, giá dầu thô toàn cầu
Giá dầu thô toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu. Khi giá dầu thế giới tăng, gánh nặng nhập khẩu nhiên liệu tăng lên, nhưng vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu do nhu cầu trong nước lớn.
Với những nguyên nhân này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp (Celios), Bhima Yudhistira, cho rằng, lời hứa của Tổng thống Prabowo Subianto trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ ngừng nhập khẩu dầu nhiên liệu (BBM) khó có thể trở thành hiện thực.
Ông Bhima lưu ý rằng từ tháng 1-10/2023, Indonesia đã nhập khẩu nhiên liệu trị giá 16,8 tỷ USD. Đây là số lượng quá lớn để Indonesia có thể kịp thời ngừng hẳn nhập khẩu trong 5 năm tới.
Mặt khác, nếu tham vọng của chính phủ là thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học, điều này có thể tạo ra những vấn đề mới. Giám đốc Bhima cho biết, năm 2023 khi chính phủ thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học B35, đã không lường trước đến việc phân phối nguồn cung từ dầu cọ cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học với nhu cầu về thực phẩm và dầu ăn.
Do đó, nếu chính phủ theo đuổi một chương trình hỗn hợp năng lượng tái tạo lớn hơn từ nhiên liệu sinh học, có lo ngại rằng điều này sẽ gây ra tình trạng tăng giá lương thực.