7 điều cha mẹ làm vô tình đẩy con ra xa
Theo Bright Side, đôi khi, ngay cả một câu hỏi đơn giản như 'Hôm nay của con thế nào?' cũng có thể khiến trẻ không muốn ở bên cạnh cha mẹ.
1. Để tâm trạng tiêu cực ảnh hưởng đến con: Điều này không có nghĩa là bạn nên giấu cảm xúc của mình với con cái, nhưng bạn nên chú ý đến cách bạn quản lý chúng và tìm giải pháp đối phó với cảm xúc đó tốt hơn. Cha mẹ thường nghĩ trẻ quá nhỏ để thấu hiểu, nhưng thực ra chúng khá nhạy cảm. Sự căng thẳng liên tục có thể khiến bạn có phản ứng "giông bão" với bất cứ yêu cầu nào của con, và điều đó có thể khiến chúng tránh xa bạn. Hãy dành thời gian cho bản thân và có một tâm trạng tốt hơn để có thể hỗ trợ con khi chúng cần. Ảnh: Freepik.
2. Không coi trọng vấn đề của con: Hãy nghiêm túc với con của bạn, ngay cả khi cảm xúc hoặc phản ứng của chúng có vẻ "ngớ ngẩn" đối với bạn. Thay vì trêu chọc con về tình huống mà chúng gặp phải, phụ huynh nên chia sẻ kinh nghiệm hoặc kỷ niệm tương tự của mình để giúp chúng đối phó với vấn đề tốt hơn. Ảnh: Freepik.
3. Hỏi han liên tục về vấn đề của con: Hỏi đi hỏi lại con điều gì khiến chúng buồn có thể làm con khó chịu hơn và muốn giải quyết vấn đề một mình. Mỗi người đều đối phó với căng thẳng theo những cách khác nhau, và con bạn cũng không ngoại lệ. Đó là lý do thay vì ép con nói điều gì đó mà con không muốn, hãy thử hỏi chúng những câu hỏi gián tiếp. Ảnh: Freepik.
4. Làm việc khác khi con đang cố gắng nói chuyện: Trẻ em không phải lúc nào cũng có tâm trạng để nói chuyện. Nhưng khi con đến với bạn, chúng thực sự cần sự chú ý của bạn. Nếu bạn mải cuốn theo công việc mà không dành thời gian chất lượng cho con, đứa trẻ sẽ nghĩ mình không phải ưu tiên và không quan trọng. Đó là lý do khi con tìm đến bạn cùng điều gì muốn nói, bạn hãy dừng công việc đang làm, nhìn vào mắt con và tham gia đầy đủ vào cuộc trò chuyện. Ảnh: Freepik.
5. Kể với người khác điều con bạn thổ lộ với bạn: Kể với bạn bè hoặc gia đình về điều con đã tâm sự với bạn có thể khiến chúng xấu hổ, dần dần giấu kín mọi chuyện với cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh nên nhận ra cảm xúc của con và cố gắng không chia sẻ quá nhiều, vì điều đó có thể làm tổn thương cảm xúc của trẻ và khiến chúng lo lắng. Ảnh: Freepik.
6. Vồ vập hỏi về một ngày của con: Khi trẻ choáng ngợp, bộ não chúng trở nên mệt mỏi và không thể suy nghĩ. Vì vậy, đừng nên vồ vập hỏi "Hôm nay con thế nào?" ngay khi nhìn thấy chúng. Cách tốt nhất để con cởi mở là cho con 1-2 phút để giải tỏa căng thẳng và chúng sẽ tự kể với bạn. Nếu con không cởi mở, cha mẹ thử hỏi những câu cụ thể như "Cô giáo có thích bức tranh con vẽ không?" hoặc "Con chơi trò gì cùng bạn hôm nay?". Ảnh: Freepik.
7. Kìm hãm khi con "chớm" độc lập: Trẻ muốn tự do hơn là điều bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, khi điều này xảy ra, cha mẹ thường coi đó là sự thiếu tôn trọng hoặc đang mất kiểm soát con cái, dẫn đến việc kìm hãm con nhiều hơn. Trong trường hợp này, thay vì đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn, cha mẹ hãy để con tự đặt ra một số quy tắc và xem con có trách nhiệm như thế nào. Khi trẻ thấy được tin tương, chúng sẽ trưởng thành, có trách nhiệm hơn bạn tưởng. Ảnh: Freepik.