7 cuốn sách cổ nhất còn tồn tại trên thế giới
Nhiều cuốn sách được sử dụng để ghi chép văn bản từ thời xưa, thậm chí rất nhiều năm trước Công nguyên, được các nhà khảo cổ phát hiện và bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay.
Sách vàng Etruscan: Mặc dù không có nhiều thông tin về Sách vàng Etruscan, nó được cho là cuốn sách nhiều trang lâu đời nhất thế giới, có niên đại khoảng năm 660 trước Công nguyên. Toàn bộ cuốn sách được làm từ 6 tấm vàng 24 cara và được đóng lại với nhau bằng các vòng tròn. Các tấm vàng này được viết bằng chữ của người Etrusca, với các bức minh họa là một con ngựa, kị sĩ, một nàng tiên cá, một chiếc đàn hạc, và nhiều binh lính. Cuốn sách được tìm thấy vào khoảng cuối những năm 1950 trong một ngôi mộ được phát hiện khi đào kênh dọc sông Strouma ở Bulgaria. Ảnh: Wiganlanebooks.
Những tấm vàng Pyrgi: Được tìm thấy vào năm 1964 trong cuộc khai quật ở một điện thờ tại Pyrgi cổ đại, thuộc Italy, những tấm vàng này có niên đại từ năm 500 trước Công nguyên. Mặc dù các tấm vàng không hẳn là một cuốn sách, quanh viền mỗi tấm đều có các lỗ trống cho thấy chúng đã từng được buộc lại với nhau. Những tấm vàng này có điểm nổi bật là được viết bằng 2 ngôn ngữ khác nhau, với 2 tấm là tiếng Etrusca cổ, một tấm là tiếng Phoenicia, với lời đề tặng của Vua Thefarie Velianas cho Astarte - nữ thần nước Phoenicia. Đây là một số ngôn ngữ viết lâu đời nhất từ trước đến nay. Các tấm vàng này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Etruscan ở Rome, Italy. Ảnh: Worldhistoryencyclopedia.
Kinh thánh Sinai: Codex Sinaiticus, thường được gọi là Kinh thánh Sinai, giữ một vị trí rất quan trọng và được tôn kính trên toàn thế giới vì nó là phiên bản đầu tiên duy nhất được bảo tồn rộng rãi của Kinh thánh Cơ đốc giáo. Bản thảo quý giá này bao gồm một bản viết tay của Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp cổ, đặc biệt là bản Septuagint, được 4 người ghi chép tỉ mỉ trong thế kỷ thứ IV. Được coi là một trong những văn bản Tân ước bằng tiếng Hy Lạp đặc biệt nhất, Codex Sinaiticus đã đóng vai trò then chốt trong nghiên cứu Kinh Thánh. Ảnh: Medium.
Thư viện Nag Hammadi: Đây được cho là một trong bộ sưu tập sách lâu đời nhất còn sót lại - 13 mật mã bằng giấy cói bọc da, chôn trong một chiếc lọ được niêm phong, được một người đàn ông sống tại thị trấn Nag Hammadi, Thượng Ai Cập, phát hiện vào năm 1945. Các cuốn sách gồm những đoạn trích từ kinh Gnostic, có niên đại từ khoảng nửa đầu thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Người ta cho rằng các mật mã bằng ngôn ngữ Coplic này được sao chép từ tiếng Hy Lạp. Các mật mã Nag Hammadi này hiện có thể tìm thấy tại Bảo tàng Coptic ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: Theislandparson.
Phúc Âm Garima: Đây là hai cuốn sách phúc âm từ Tu viện Abba Garima ở Ethiopia và là những bản thảo Kitô giáo hoàn chỉnh lâu đời nhất được biết đến. Cho đến thập kỷ trước, các học giả luôn tin rằng cả hai cuốn sách đều có niên đại từ thế kỷ XI, nhưng cuộc thử nghiệm carbon sau đó cho thấy những cuốn sách này có niên đại từ năm 330 đến 650 sau Công nguyên. Theo các tu sĩ tại Tu viện Abba Garima, các cuốn sách đã được bảo vệ và cất giữ tại tu viện kể từ khi thành lập. Họ cũng tin rằng những cuốn sách này được viết bởi Abba Garima, một hoàng gia Byzantine, người đã thành lập tu viện. Ảnh: Theglobeandmail.
Phúc Âm của Thánh Cuthbert: Đây là cuốn sách nguyên vẹn còn tồn tại lâu nhất ở châu Âu, và có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII. Cuốn sách được chôn cùng với Thánh Cuthbert, một nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo người Anh đầu tiên, trên đảo Lindisfarne, ngoài khơi Northumberland, vào khoảng năm 698 sau Công nguyên. Nó được phát hiện lại vào năm 1104 tại Nhà thờ Durham, nơi quan tài của Thánh Cuthbert được chuyển đến để tránh bị người Viking phá hủy. Thư viện Anh đã mua lại cuốn sách này vào năm 2012 với giá 9 triệu bảng, như một phần của chiến dịch gây quỹ. Ảnh: Medievalhistories.
Sách Kells hay Phúc Âm Kells: Còn được gọi là Sách của Columba (một tu sĩ được kính trọng ở Ireland), đây là một trong những kho báu quý giá nhất của Ireland, bản thảo có nguồn gốc từ khoảng năm 800 sau Công nguyên. Phúc Âm Kells là cuốn sách viết tay với hoa văn sặc sỡ bằng tiếng Latinh, bao gồm 4 bản Tân ước với 340 trang giấy da bê. Hiện sách được lưu giữ tại Thư viện trường đại học Trinity ở Dublin, Ireland. Ảnh: Worldhistoryencyclopedia.