65% số nhà khoa học đầu ngành cả nước hiện đang sinh sống ở Hà Nội
Hà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia).
Chiều 30/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation VietNam 2024) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Sự kiện thu hút từ 2.500 đến 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 đến 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng với không gian trình diễn công nghệ quy mô.
Hà Nội tập trung hơn 70% tổ chức khoa học công nghệ…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả về phát triển kinh tế - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 6,65%, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước. Năng suất lao động tăng vượt trội, đạt mức 3,209 triệu đồng/lao động, cao gấp 1,6 lần so với bình quân cả nước. Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần hằng năm.
Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc.
“Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nêu rõ.
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100% kết quả các đề tài, đề án được áp dụng ngay khoảng 90%. Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, về số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KH&CN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước.
Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Trong năm 2024, lần đầu tiên UBND Thành phố đã trao tặng Bằng "Sáng kiến Thủ đô" cho 44 sáng kiến của 66 cá nhân là tác giả, đồng tác giả.
Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo
Cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội cũng đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như thiếu cơ chế đặc thù, đột phá cho phát triển khoa học và công nghệ, hạ tầng công nghệ cao chưa hoàn thiện.
Điển hình là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với mong muốn là khoa học hiện đại trong tương lai tuy nhiên việc phát triển một mô hình mới như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn gặp khó khăn, thách thức cả về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ chế thu hút đầu tư, vốn đầu tư.
Để đạt được mục tiêu đó, Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
“Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Lê Hồng Sơn cho hay.
Tiềm năng to lớn về hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Châu Âu
Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, ông đặc biệt rất ấn tượng với chủ đề của năm nay: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
“Điều này cộng hưởng sâu sắc với tầm nhìn của EU và với Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu trọng điểm của chúng tôi, trong đó đổi mới sáng tạo đóng vai trò cốt lõi để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và cải thiện chăm sóc sức khỏe”, đại sứ Julien Guerrier đánh giá.
Theo Đại sứ Julien Guerrier, trong nhiều năm qua, châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong một số sáng kiến công nghệ. Ví dụ, theo chương trình chủ lực Horizon Europe và chương trình tiền nhiệm, các trường và viện nghiên cứu Việt Nam đã tham gia 48 dự án với tổng số tiền tài trợ gần 4 triệu euro.
Ngoài ra, EU và Bộ KH&CN sẽ đồng tổ chức hai sự kiện cấp khu vực về đổi mới sáng tạo vào ngày 2-3/10 tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN. Đây là một phần trong chuỗi sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa ASEAN và EU.
Sự kiện đầu tiên sẽ tập trung vào đổi mới sáng tạo thông qua việc kết nối những nhà đổi mới sáng tạo từ cả hai khu vực để giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến năng lượng sạch và kinh tế tuần hoàn.
“Khi nhìn về tương lai, tôi tin tưởng tiềm năng to lớn cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa EU và Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, đổi mới kỹ thuật số và nông nghiệp bền vững. EU và các nước thành viên sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo môi trường bền vững và công bằng xã hội”, Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh.
Sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” không chỉ đánh dấu kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN mà còn là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô. Đây là cơ hội tôn vinh những thành tựu trong quá khứ và hướng đến tương lai của đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.