63 tỉnh, thành đã gửi đề án sáp nhập về Bộ Nội vụ

Tính đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã gửi đề án sáp nhập về Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ thẩm tra đề án này sau khi Chính phủ hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét.

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cũng sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Đây là thông tin được bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, nói tại họp báo về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 4-5.

Hai nguồn ngân sách dành chi cho tinh gọn, sáp nhập

Theo bà Thủy, điều quan trọng không chỉ là phân cấp, phân quyền mà là sự chủ động của các cơ quan được giao quyền sau khi phân cấp, phân quyền.

Bà Thủy cho hay đến nay, 63/63 tỉnh đã gửi đề án sáp nhập về Bộ Nội vụ. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, hoàn thiện Đề án và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ thẩm tra đề án này sau khi Chính phủ hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét.

 Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: QH

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: QH

Về nguồn kinh phí cho sắp xếp, tinh gọn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế - Tài chính, cho biết trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 có rất nhiều khoản chi, trong đó có khoản miễn học phí cho học sinh các cấp học, nguồn kinh phí 3% theo định hướng của Nghị quyết 57.

Thẩm tra ngân sách lần này, ông Hiếu cho hay “ngày càng khó” vì giống như “con nhà nghèo”. Ủy ban Kinh tế - Tài chính luôn thẩm định các khoản chi ngân sách theo tính cần thiết, khả thi bên cạnh tính phù hợp thẩm quyền của Quốc hội.

“Cái gì buộc phải chi thì phải chi. Chẳng hạn phần chi trả cho chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức… trong công cuộc tinh gọn, sáp nhập thì buộc phải chi” - ông Hiếu nói.

Theo ông, nguồn ngân sách chi cho công cuộc tinh gọn, sáp nhập lần này theo Chính phủ trình thì có hai nguồn. Một là số dư từ nguồn cải cách tiền lương năm 2024, hai là nguồn tích lũy cải cách tiền lương cho năm 2025.

“Đến lúc này, qua thẩm tra, các khoản dự toán chi này vẫn chưa ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Năm 2025 có nhiều diễn biến khó lường, các chính sách về tài chính, tài khóa sẽ được xem xét kỹ lưỡng” - ông Hiếu nói.

Tích cực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế

Bà Nguyễn Phương Thủy cũng cho hay Chính phủ và Quốc hội luôn nhận thức rõ hệ thống luật pháp còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng cụ thể và phải có giải pháp tháo gỡ cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mới.

Cuối nhiệm kỳ trước, Chính phủ và Quốc hội đã rà soát, tổng kết và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tại các kỳ họp Quốc hội, công tác này đều được ưu tiên.

Tại Kỳ họp thứ 9, với việc dự kiến thông qua 34 dự luật, 11 Nghị quyết… trong đó có nhiều dự luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật” trong các lĩnh vực đầu tư, ngân sách, tư pháp… Quốc hội đã dành một thời lượng rất lớn của kỳ họp để tháo gỡ điểm nghẽn.

"Việc này nhắm đến phục vụ công cuộc tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57, tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư – kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác" - bà Thủy cho hay.

CHÂN LUẬN

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/63-tinh-thanh-da-gui-de-an-sap-nhap-ve-bo-noi-vu-post847888.html
Zalo