6 xu hướng mạng xã hội năm 2025 doanh nghiệp Việt không thể bỏ lỡ

Trong năm 2025, mạng xã hội tiếp tục là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Từ AI tạo sinh, kinh doanh hội thoại đến video và mua sắm xuyên biên giới, 6 xu hướng dưới đây sẽ định hình cách doanh nghiệp Việt khai thác tiềm năng của các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh thu.

1. AI tạo sinh (Generative AI)

AI tạo sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả và sáng tạo nội dung cũng như đề xuất ý tưởng và các giải pháp mới. Trong tháng 8/2024, Meta đã ghi nhận hơn 1 triệu nhà quảng cáo trên toàn cầu sử dụng các công cụ sáng tạo quảng cáo AI, tạo ra hơn 15 triệu quảng cáo.

Mạng xã hội tiếp tục là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2025

Mạng xã hội tiếp tục là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2025

Tại Việt Nam, trợ lý ảo Meta AI đã ra mắt trong tháng 12/2024. Meta AI được truy cập hoàn toàn miễn phí trên tất cả các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, WhatsApp, Messenger. Meta AI đang trên đà trở thành trợ lý AI phổ biến trên thế giới với gần 600 triệu người dùng hàng tháng. Với DN, sử dụng công cụ AI trong tin nhắn Messenger sẽ là trợ thủ đắc lực trong việc chăm sóc khách hàng và gia tăng hiệu quả kinh doanh trong năm 2025.

2. Kinh doanh hội thoại

Kinh doanh qua tin nhắn đã bùng nổ tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây, và Việt Nam tiếp tục là thị trường tiên phong toàn cầu trong lĩnh vực này. Trong năm 2024, 53% người dùng Việt sẵn sàng mua hàng từ DN tư vấn qua tin nhắn, 81% DN Việt Nam được khảo sát cho rằng họ thu được khách hàng tiềm năng chất lượng cao từ quảng cáo tin nhắn.

Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên trên toàn cầu thử nghiệm công cụ AI trong tin nhắn của Meta. Các sản phẩm dành riêng cho DN và người dùng Việt như công cụ hỗ trợ Facebook Live, tính năng khám phá sản phẩm trên Messenger. Thành Vinh Holdings, một trong những DN kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tại Việt Nam, đã thử nghiệm tính năng khám phá sản phẩm trên Messenger và nhận thấy tính năng này đã giúp tăng ROAS lên 1,2 lần. Dự kiến trong năm 2025, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhờ khả năng ứng dụng AI trong tin nhắn và chăm sóc khách hàng.

3. Nhà sáng tạo nội dung

Thị trường nhà sáng tạo nội dung đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, giá trị kinh tế toàn cầu của các nhà sáng tạo nội dung có thể lên đến 480 tỷ USD vào năm 2027.

Việc hợp tác với nhà sáng tạo phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải câu chuyện thương hiệu và quyết định sự thành công của chiến dịch, khi có tới 96% người tiêu dùng theo dõi các nhà sáng tạo nội dung cho biết họ đã mua một sản phẩm thông qua quảng cáo cá nhân hóa trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, 53% người được khảo sát trên toàn cầu đồng ý rằng họ có nhiều khả năng mua một sản phẩm hơn nếu sản phẩm đó được quảng bá bởi một nhà sáng tạo trên Reels. Cỏ Mềm Homelab, một trong những nhà bán lẻ về mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, trong năm 2024 đã thử nghiệm quảng cáo hợp tác với nhà sáng tạo nội dung và thấy chi phí một đơn hàng thông qua loại hình này được giảm 10%.

4. Video

Theo Insider Intelligence, người dùng đang dành 60% thời gian sử dụng Instagram và Facebook cho video.

Tại Việt Nam, Facebook là nền tảng livestream hàng đầu với 88% người dùng tham gia, và 77% xem livestream hằng tuần. Đặc biệt, 76% người tiêu dùng thực hiện mua hàng dựa trên nội dung livestream, 53% cho biết họ có khả năng chi tiêu nhiều hơn cho đơn hàng tiếp theo nếu được tư vấn trực tiếp tốt. Điều này khiến quá trình trao đổi qua tin nhắn trong các buổi livestream trở thành phương thức tương tác được ưa chuộng.

5. Threads

Kể từ khi ra mắt vào tháng 7/2023, Threads đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Tới tháng 12 năm 2024, Threads ghi nhận 300 triệu người dùng hằng tháng. Tại Việt Nam, Gen Z là nhóm đối tượng chính của Threads, đạt 22% trong quý III/2024, tăng 7% so với quý trước. Điều này phản ánh tiềm năng của Threads trong việc tiếp cận đối tượng người dùng trẻ, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng cạnh tranh.

Gen Y chứng kiến mức tăng trưởng ổn định giữa các quý, trong khi đó, tỷ lệ tham gia của Gen X tuy thấp hơn so với các thế hệ trẻ, nhưng vẫn tăng trưởng đều đặn.

6. Mua sắm xuyên biên giới

Nhờ sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm từ khắp nơi trên thế giới với nhiều lựa chọn đa dạng. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ít nhất 50% người tiêu dùng cho biết họ đã mua hàng xuyên biên giới trong thời gian khuyến mãi. Trên thế giới, mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới dự kiến sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với thương mại điện tử trong nước. Ngoài những yếu tố liên quan đến giá cả, các giao dịch mua hàng xuyên biên giới được thúc đẩy bởi mong muốn sở hữu các thương hiệu chưa có sẵn trong nước và các sản phẩm chất lượng cao hơn. Tại Mỹ, 47% người tiêu dùng cho biết lạm phát là mối lo ngại hàng đầu khi mua sắm hiện nay, trong khi 37% cho biết sẽ tăng cường mua sắm xuyên biên giới trong 12 tháng tới.

(*) Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta

Khôi Lê (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/6-xu-huong-mang-xa-hoi-nam-2025-doanh-nghiep-viet-khong-the-bo-lo-315661.html
Zalo