6 sai lầm khi rửa tay nhiều người mắc phải
Rửa tay tưởng chừng là hành động rất đơn giản nhưng có thể vô ích nếu bạn thực hiện sai cách.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em.
Lợi ích của việc rửa tay
Theo Everyday Health, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với vi khuẩn và virus có thể gây bệnh. Vi trùng có thể lây lan sau khi chạm vào bề mặt bị ô nhiễm và chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của bạn.
Mặc dù hệ thống miễn dịch làm việc chăm chỉ để chống lại những vi trùng này, nó không thể làm một mình. Khi đó, rửa tay đúng cách sẽ loại bỏ vi trùng khỏi tay bạn, giúp hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
Tiến sĩ Vontrelle Roundtree, bác sĩ gia đình được hội đồng chứng nhận và Phó giám đốc y tế tại MDLIVE, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ảo hàng đầu tại Mỹ, cho biết khi rửa tay, bạn sẽ giảm lượng virus trong hoặc trên cơ thể, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn sẽ phải chiến đấu với ít vi trùng hơn.
Theo tiến sĩ Roundtree, rửa tay đúng cách giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng gây ra nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cúm, Covid-19, cảm lạnh thông thường, viêm kết mạc, bệnh do thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa, tay chân miệng.
Sai lầm cần tránh khi rửa tay
Theo NDTV, để đảm bảo vệ sinh tốt hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng, mọi người cần tránh những sai lầm khi rửa tay dưới đây:
Bỏ qua xà phòng: Xà phòng giúp phân hủy dầu và bụi bẩn trên tay bạn, điều mà chỉ sử dụng nước không thể làm được. Sử dụng xà phòng tạo ra lực ma sát cần thiết để loại bỏ vi trùng và vi khuẩn khỏi da, giúp quá trình rửa tay hiệu quả hơn nhiều.
Rửa quá ít thời gian: Rửa nhanh dưới vòi nước là không đủ. Để việc rửa tay có hiệu quả, bạn nên chà tay trong ít nhất 20 giây.
Không lau khô tay đúng cách: Tay ướt có nhiều khả năng truyền vi khuẩn và vi trùng hơn tay khô. Không lau khô tay sau khi rửa có thể làm mất đi lợi ích của việc rửa tay.
Chạm vào bề mặt bẩn ngay sau khi rửa: Chạm vào bề mặt bị ô nhiễm ngay sau khi rửa tay, chẳng hạn vòi hoặc tay nắm cửa, có thể làm mất tác dụng của việc rửa. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay để tắt vòi và mở cửa.
Không chà xát tất cả bộ phận của bàn tay: Nhiều người bỏ bê những vùng như mu bàn tay, giữa các ngón tay và dưới móng tay. Điều cần thiết là phải chà sạch mọi bộ phận của bàn tay.
Dùng nước nóng rửa tay: Trái với suy nghĩ của nhiều người, sử dụng nước nóng không tiêu diệt được nhiều vi trùng hơn nước lạnh. Nước nóng có thể làm khô da, dẫn đến nứt nẻ và khiến tay dễ bị nhiễm trùng hơn.