6 món đồ 'bất ly thân' khi bị cảm cúm

Mang theo nhiệt kế khi bị cảm cúm giúp bạn dễ dàng kiểm tra thân nhiệt, từ đó quyết định liệu có cần đến bác sĩ hay không.

 Tình trạng ho và mệt mỏi có thể kéo dài đến 2 tuần sau cúm. Ảnh: Freepik.

Tình trạng ho và mệt mỏi có thể kéo dài đến 2 tuần sau cúm. Ảnh: Freepik.

Dù thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn vẫn có khả năng bị cúm. Cơ thể cần thời gian để loại bỏ virus, thường mất từ 3 đến 7 ngày để hồi phục. Tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi và ho có thể kéo dài đến hai tuần.

Trong thời gian này, hãy cố gắng nghỉ ngơi, uống nhiều nước và tránh tiếp xúc với người khác cho đến khi bạn hết sốt ít nhất 24 giờ. Ngoài ra, theo Medical News Today, những vật dụng sau sẽ giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng và chăm sóc tốt hơn cho bản thân hoặc người thân bị cúm.

Nước rửa tay sát khuẩn

Virus cúm có thể lây qua không khí khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời bám lên bề mặt đồ vật xung quanh. Việc rửa tay thường xuyên giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Cách tốt nhất là rửa tay với xà phòng và nước sạch. Bạn cũng có thể sử dụng dung dịch rửa tay khô chứa ít nhất 60% cồn. Nếu có con nhỏ, hãy mang theo một chai nước rửa tay nhỏ để trẻ sử dụng trước bữa ăn.

Khăn giấy

Việc ho hoặc hắt hơi mà không che miệng có thể khiến virus lây lan nhanh hơn. Hãy luôn mang theo khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời dạy trẻ em thói quen này. Sau khi sử dụng, cần vứt khăn giấy ngay vào thùng rác để tránh virus phát tán.

Dung dịch khử trùng

Virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật từ 2 đến 8 giờ. Do đó, sử dụng dung dịch khử trùng để lau dọn các bề mặt người bệnh tiếp xúc thường xuyên như bàn làm việc, tay nắm cửa, điện thoại, giúp giảm nguy cơ lây bệnh.

Nhiệt kế

Nhiệt kế giúp theo dõi chính xác tình trạng sốt, một trong những triệu chứng phổ biến của cúm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt do cúm thường trên 38 độ C. Việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể sẽ giúp bạn đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và quyết định có cần đi khám bác sĩ hay không.

Thuốc thông mũi

Cảm giác nghẹt mũi khiến việc thở trở nên khó chịu. Thuốc thông mũi không kê đơn có thể giúp giảm sưng niêm mạc mũi, giúp bạn dễ thở hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Các dạng thuốc này có thể là viên uống, thuốc nhỏ hoặc xịt mũi.

Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc xịt quá 3 ngày liên tục để tránh tác dụng phụ làm nghẹt mũi nặng hơn. Trước khi dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bệnh nền hoặc đang sử dụng thuốc điều trị khác.

Viên ngậm giảm ho

Ho liên tục không chỉ gây đau rát cổ họng mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Viên ngậm có chứa menthol hoặc mật ong có thể làm dịu cổ họng và giảm ho. Nếu thường xuyên tỉnh giấc vì cơn ho vào ban đêm, bạn có thể để sẵn viên ngậm cạnh giường để sử dụng khi cần. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng viên ngậm vì có nguy cơ hóc kẹo.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-mon-do-bat-ly-than-khi-bi-cam-cum-post1540767.html
Zalo