6 lý do nên bỏ Hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông công lập
Luật Giáo dục dự kiến sửa đổi theo hướng không quy định việc thành lập Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Cô trò Trường THPT huyện Điện Biên trong giờ học.
Theo quy định hiện hành, Hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường, các bên có lợi ích liên quan và được quy định như sau:
Hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Thành phần hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông.
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng Hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.
Từ thực tiễn cơ sở, ông Trần Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) nêu ra 6 lý do không nên thành lập Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thứ nhất, tôn trọng tính đặc thù trong quản lý công lập. Khác với trường tư thục, nơi mà Hội đồng trường đóng vai trò chủ quản, ở các trường phổ thông công lập, ngân sách, biên chế, tổ chức bộ máy đều do Nhà nước quyết định, nên việc xây dựng thêm một tổ chức mang tính chất quản trị là không thực sự cần thiết.
Thứ hai, tạo điều kiện tập trung vào chuyên môn. Loại bỏ một bộ phận hoạt động hình thức sẽ giúp Ban giám hiệu và giáo viên tập trung hơn cho công tác giảng dạy, quản lý chuyên môn, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay.
Thứ ba, không làm giảm tính dân chủ trong nhà trường. Việc mở rộng dân chủ trong trường học vẫn có thể thực hiện thông qua các hội đồng chuyên môn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Vì vậy, không bắt buộc có Hội đồng trường cũng không đồng nghĩa với thu hẹp dân chủ.
Thứ tư, giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Việc thành lập, xây dựng quy chế, tổ chức họp, lập biên bản, ghi nghị quyết… khiến nhà trường tốn nhiều thời gian, nhân lực và giấy tờ, hồ sơ. Gỡ bỏ quy định này sẽ giảm áp lực hành chính cho đội ngũ quản lý.
Thứ năm, tăng tính linh hoạt, tự chủ đúng nghĩa. Nếu nhà trường thấy cần thiết và đủ điều kiện, vẫn có thể tự nguyện thành lập Hội đồng trường, nhưng không bị ràng buộc cứng nhắc (bắt buộc). Điều này giúp thúc đẩy mô hình quản trị phù hợp với từng địa phương, từng nhà trường.
Thứ sáu, thích ứng tốt hơn với bối cảnh chuyển đổi vì giai đoạn hiện nay là lúc trường học đang phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ đổi mới (chương trình, kiểm tra đánh giá, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng...), nên cần tinh giản bộ máy, tập trung hiệu quả, tránh dàn trải hình thức.