6 loài vật 'nguy hiểm bậc nhất hành tinh', loài số 1 Việt Nam có đầy
Từ loài côn trùng nhỏ bé đến động vật trên cạn có kích thước khổng lồ, chúng đều có thể trở thành nhóm sinh vật nguy hiểm và đe dọa tới sinh mạng của bạn.
Bạn có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng sức mạnh thể chất và kích thước không phải là những yếu tố khiến một loài động vật trở nên nguy hiểm.
Thực tế, một số sinh vật được xem là nhỏ nhất trên thế giới có thể là loài nguy hiểm nhất đối với con người, khi chúng lây lan những căn bệnh đe dọa tính mạng cho hàng triệu người mỗi năm chỉ bằng vết cắn nhỏ cỡ đầu kim.
Dưới đây là 6 loài vật được đánh giá là nguy hiểm nhất cho con người, có những loài không ai ngờ tới:
Muỗi
Loài động vật (không tính con người) nguy hiểm nhất thế giới là loài muỗi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), muỗi là loài động vật nguy hiểm nhất thế giới, dẫn đến trường hợp tử vong của 500.000 đến hơn 1 triệu người mỗi năm. Chúng là vật trung gian truyền một số loại bệnh đáng lưu ý, đặc biệt là bệnh sốt rét.
Bệnh sốt rét đã gây ra khoảng 619.000 ca tử vong vào năm 2021, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Bệnh thường có thể được điều trị bằng cách chăm sóc cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch HIV/AIDS, bệnh sốt rét có thể rất nguy hiểm. Theo WHO, khoảng 80% số ca tử vong do sốt rét ở châu Phi là trẻ em dưới 5 tuổi.
Muỗi cũng lây lan một số căn bệnh nguy hiểm khác, bao gồm sốt xuất huyết, chikungunya, virus West Nile, virus Zika và ký sinh trùng giun chỉ bạch huyết.
Một số lời khuyên được đưa ra bởi các chuyên gia để giảm nguy cơ mắc bệnh do muỗi truyền bao gồm: thường xuyên dọn dẹp, giữ vệ sinh khu vực sinh sống, sử dụng màn chống muỗi…
Chó
Theo WHO, chó cũng là một trong số những loài vật nguy hiểm nhất.
Vết cắn của chó dại là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dại trên thế giới (gồm 99% trường hợp mắc bệnh dại ở người trên toàn thế giới).
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh dại được báo cáo ở các nước châu Á và châu Phi, nơi có số lượng lớn chó hoang mang mầm bệnh và ít được tiếp cận cơ sở y tế để điều trị bệnh dại
Virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương và gây tử vong trong vòng trung bình từ 1 đến 3 tháng. Bên cạnh đó, cũng không thể không kể tới các vụ chó tấn công, gây chết người.
Rắn
Rắn là một trong những loài bò sát phổ biến nhất trên trái đất. Chúng đã tồn tại và phát triển từ 94 triệu năm trước. Trung bình, rắn giết chết khoảng 50.000 người mỗi năm. Trong số đó, những loài rắn lớn như trăn hay trăn Nam Mỹ có thể giết và ăn thịt người trưởng thành nhờ khả năng tấn công và xiết nghẹt. Tuy nhiên, phần lớn ca thiệt mạng là do không được cứu chữa kịp thời khi bị rắn độc cắn.
Cá nóc
Cá nóc được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới trên toàn thế giới và được xếp vào loại động vật có xương sống độc thứ hai sau loài ếch phi tiêu vàng. Khi bị đe dọa, cơ thể chúng sẽ phồng lên. Chúng có thể tiết ra nọc độc terodotoxin - độc gấp 1.2000 lần so với xyanua - đủ giết chết 30 người mà không có thuốc nào giải được. Hầu hết các trường hợp tử vong của con người đều do ăn thịt cá nóc chế biến không đúng cách.
Hà mã
Đây là loài bạn nên tránh xa khi tham quan các khu vực sông nước. Chúng xuất hiện gần như khắp châu Phi, nhiều con nặng tới hơn 1.300 kg.
Dù chân khá ngắn và có vẻ chậm chạp, chúng có thể chạy và bơi rất nhanh. Phần lớn các vụ tấn công xảy ra khi thuyền ngư dân hay du khách đi ngang qua lãnh thổ của chúng. Hà mã có thể húc trúng thuyền và khi người rơi xuống nước, họ chết đuối hoặc bị chúng giết. Với những chiếc răng dài, sắc nhọn và rất hung dữ, hà mã chính là thủ phạm của 2.900 vụ giết người mỗi năm.
Ong bắp cày khổng lồ Châu Á
Chỉ to bằng ngón tay cái bình thường của con người, ong bắp cày khổng lồ Châu Á quyết liệt bảo vệ lãnh thổ của chúng và nếu bị đe dọa, chúng sẽ gây ra một vết đốt tựa như một chiếc kim nóng đỏ và cảm giác đau đớn kéo dài nhiều ngày.
Một con ong bắp cày có đủ nọc độc để giết 10 con chuột, thậm chí có thể giết chết người nếu có nhiều vết đốt. Ở Nhật Bản, có từ 30 đến 50 ca tử vong mỗi năm do loài này gây ra.
Minh Hoa (t/h)