6 kiểu nói chuyện của người EQ thấp chốn công sở

Cách giao tiếp có thể phản ánh EQ của một người...

Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence - EI) thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient - EQ) của mỗi cá nhân. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.

Chỉ số EQ cao giúp bạn xây dựng các mối quan hệ, giảm sự căng thẳng giữa nhóm người, xoa dịu xung đột và cải thiện sự hài lòng. Nhiều năm nghiên cứu cho thấy người càng có nhiều trí tuệ cảm xúc thì hiệu suất làm việc của họ càng tốt.

Để duy trì EQ cao, một nguyên tắc quan trọng là không nói điều bạn không thực hiện được hoặc không thành thật, tránh những kiểu nói chuyện dưới đây:

1. Thích nói chuyện phiếm

Đầu tiên, bạn cần xác định ý nghĩa chính xác của chuyện phiếm. Đó là những cuộc trò chuyện thông thường về các vấn đề không quan trọng và không thiết thực. Chuyện phiếm có thể giúp bạn và đồng nghiệp giết thời gian và tăng kết nối, nhưng kiểu nói chuyện này có hại hơn là có lợi.

Một trong những hệ lụy của chuyện phiếm là nỗi đau chúng gây ra cho người khác. Người nói có thể xì xào về người nào đó mà họ thấy bất mãn, chia sẻ câu chuyện đáng lẽ là bí mật hay thậm chí là lan truyền những lời dối trá.

Do vậy, chuyện phiếm hời hợt không mang lại sự kết nối sâu và bền chặt. Trong một số trường hợp, những câu chuyện vô nghĩa có thể khiến hình ảnh bạn xấu đi trong mắt đồng nghiệp, phá vỡ lời hứa và gây tổn thương cho người khác, khiến họ không còn lòng tin dành cho bạn. Cuối cùng, bạn sẽ không còn lại gì.

Một trong những hệ lụy của chuyện phiếm là nỗi đau chúng gây ra cho người khác. Ảnh minh họa

Một trong những hệ lụy của chuyện phiếm là nỗi đau chúng gây ra cho người khác. Ảnh minh họa

2. Quá thẳng tính

Thẳng thắn là một đức tính tốt nhưng không phải trong trường hợp nào phẩm chất này cũng được đánh giá là có lợi.

Trong môi trường công sở, giao tiếp là một nghệ thuật, đừng nên gây cho ai sự hiểu lầm hay tự ái, thậm chí có thể là rào cản sự nghiệp của chính bạn.

Người có EQ thấp thường không quan tâm tới những người xung quanh, có gì nói đấy, có thể khiến bản thân gặp sai phạm dù không có ý đồ sâu xa nào khác. Nếu ăn nói không giỏi thì hãy "giảm nói, tăng làm" để chứng minh giá trị của bản thân.

3. Quan tâm kiểu nửa vời

Khi ai đó gặp vấn đề và bạn thường xuyên đặt ra các câu hỏi như: "Hãy kể tôi nghe về…"; "Làm ơn giải thích cho tôi hiểu…" hoặc "Bạn suy nghĩ thế nào?"... đó là biểu hiện của người có EQ cao khi đang nỗ lực hiểu rõ cảm xúc cũng như quan điểm của người khác.

Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi bạn thực sự quan tâm đến những gì đối phương nói sau đó. Nếu họ chỉ hỏi cho có lệ mà thực tế thì lại lơ là, không chú ý đến câu trả lời, hoặc nhìn chỗ khác trong khi người kia đang nói, thì đây có thể là dấu hiệu của một người có EQ không cao.

4. Luôn tìm cách đổ lỗi

Đổ lỗi để khiến bản thân không phải chịu trách nhiệm là cách không ít những người có EQ thấp sẽ làm để trốn tránh thực tại.

Họ luôn tìm mọi cách để đổ lỗi và không muốn công nhận rằng bản thân chưa đủ khả năng và tài năng.

Tuy nhiên, tính cách này có thể sẽ bị những người làm việc cùng nhóm cảm thấy khó chịu và không muốn kết bạn.

Đổ lỗi để khiến bản thân không phải chịu trách nhiệm là cách không ít những người có EQ thấp sẽ làm để trốn tránh thực tại. Ảnh minh họa

Đổ lỗi để khiến bản thân không phải chịu trách nhiệm là cách không ít những người có EQ thấp sẽ làm để trốn tránh thực tại. Ảnh minh họa

5. "Thùng rỗng kêu to"

Bất kể ở nơi đâu, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những kẻ "Thùng rỗng kêu to", luôn cho mình là nhất.

Những người tự cao tự đại thường ra vẻ nhìn thấu sự đời. Trong bất kỳ lúc hoàn cảnh nào, họ đều cảm thấy hài lòng về bản thân: thông minh! sáng kiến! tích cực. Trong khi những người thông minh thực sự lại rất khiêm tốn, kiệm lời.

Rất nhiều người trẻ tuổi mới bước ra xã hội không biết "trời cao đất dày", thích đắm chìm trong mộng tưởng. Họ thích thể hiện bản thân quá mức cho phép với mong muốn cấp trên có thể nhìn ra mình là một nhân viên ưu tú, xuất sắc.

Trong công việc, chúng ta cần phải biết rõ được năng lực của chính mình. Đừng vì chút sĩ diện hảo mà huênh hoang, khoác lác, phóng đại sức mạnh bản thân. Điều này sẽ khiến bạn đánh mất sự tín nhiệm của lãnh đạo cũng như đồng nghiệp và những người xung quanh.

6. Ngại giao tiếp

Không biết giao tiếp, tự bạn đã cắt đi những mối quan hệ có ích cho cuộc sống và công việc của mình. Sống khép kín có thể giúp bạn cảm thấy bình yên, thoải mái thể hiện chính mình nhưng sống mà không giao tiếp với những người xung quanh, há chẳng phải bạn đang tự cô lập mình hay sao?

Bạn nên mở lòng mình, học giao tiếp dần dần với những người cận kề mình để không còn ngại ngần nữa. Giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp sẽ giúp bạn có những cơ hội tốt hơn để thể hiện bản thân.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/6-kieu-noi-chuyen-cua-nguoi-eq-thap-chon-cong-so-172241007101308945.htm
Zalo