6 dấu hiệu trẻ sống cạnh bố mẹ 'vỏ trứng'
Cha mẹ 'vỏ trứng' là thuật ngữ chỉ những bậc phụ huynh có hành vi thất thường, khiến con cái luôn phải sống trong trạng thái dè dặt, lo sợ như đi trên vỏ trứng vỡ.

Theo nhà trị liệu tâm lý Kim Sage (Mỹ), cha mẹ “vỏ trứng” là những người có hành vi thất thường, dễ phản ứng thái quá, bốc đồng hoặc thiếu ổn định về mặt cảm xúc khi đối diện mâu thuẫn. Sự thiếu nhất quán này khiến con cái luôn có cảm giác phải “đi nhẹ, nói khẽ”, sống trong cảnh dè chừng, bất an ngay trong chính gia đình mình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường hình thành xu hướng luôn cố gắng làm hài lòng người khác, sợ gây phiền lòng hay xung đột. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ đang lớn lên bên cha mẹ “vỏ trứng”. Ảnh: Freepik.

1. Thường xuyên cảm thấy bối rối và bất an: Theo nhà trị liệu tâm lý Kim Sage, cha mẹ “vỏ trứng” không phải lúc nào cũng nổi giận hay la hét, nhưng họ có thể thay đổi thái độ một cách đột ngột, khiến trẻ khó định hình cảm xúc khi ở gần. Trẻ có thể đang vui vẻ khi được trêu đùa, nhưng ngay sau đó lại hoảng hốt khi chứng kiến cha mẹ giận dữ, đóng sầm cửa hay dùng im lặng để trừng phạt. Sự bất ổn này còn thể hiện qua việc cha mẹ thường xuyên chỉ trích, trách mắng hoặc làm tổn thương con bằng lời nói. Ảnh: Pexels.

2. Thường phải đoán cảm xúc: Sự thất thường trong cách cư xử của cha mẹ có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm một cách thái quá, lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, đề phòng. Ví dụ, trẻ luôn có cảm giác bất an trước khi cha mẹ về nhà, bởi chúng biết rằng chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra rắc rối lớn. Thậm chí, chỉ một tiếng thở dài hay cái liếc mắt của bố mẹ cũng đủ khiến trẻ quan sát thật nhanh để tìm xem liệu có cơn giận nào chuẩn bị bùng lên. Ảnh: Freepik.

3. Luôn cố làm hài lòng người khác: Từ nhỏ, trẻ đã quen đọc nét mặt, đoán tâm trạng cha mẹ để giữ hòa khí. Nên dần dần, chúng đánh mất khả năng nhận biết cảm xúc thật của mình. Về lâu dài, trẻ có xu hướng luôn muốn làm hài lòng người khác vì sợ gây thất vọng, sợ bị từ chối. Điều này khiến con khó sống thật và bỏ qua nhu cầu của mình để giữ cho mọi người vui vẻ. Ảnh: Freepik.

4. Tự cô lập bản thân: Theo chuyên gia Sage, khi tương tác trở thành nguồn gốc căng thẳng, trẻ sẽ dần rút lui và chỉ cảm thấy an toàn khi ở một mình. Không gian riêng trở thành nơi duy nhất trẻ có thể kiểm soát cảm xúc và tránh bị tổn thương. Theo thời gian, điều này có thể hình thành xu hướng tự cô lập, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh sau này. Ảnh: Pexels.

5. Trẻ không được cha mẹ xin lỗi: Mọi cha mẹ đều có lúc nóng giận hoặc mắc lỗi. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở những cha mẹ "vỏ trứng" là họ không có khả năng sửa chữa những sai lầm đó. Do đó, trẻ hiếm khi nhận được lời xin lỗi sau những lần cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc. Điều này khiến trẻ ám ảnh rằng mình là nguyên nhân và mình phải chịu trách nhiệm quản lý cảm xúc của người khác. Ảnh: Pexels.