6 cách ngăn trẻ đánh nhau với anh chị em
Dạy trẻ diễn đạt cảm xúc, thiết lập quy tắc, tránh thiên vị là một số cách cha mẹ có thể áp dụng để giảm thiếu cãi vã, đánh nhau giữa những đứa trẻ trong gia đình, theo Momtastic.
1. Khuyến khích sự thấu hiểu giữa trẻ: Sau khi bạn đã giải quyết mâu thuẫn giữa những đứa trẻ, bước đầu tiên là ngồi lại cùng con và khuyến khích chúng đồng cảm với nhau. Bạn hãy dạy chúng lắng nghe quan điểm và cố gắng hiểu cảm xúc của nhau. Việc khuyến khích sự thấu hiểu giữa anh chị em không chỉ giúp giảm thiểu xung đột mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội quan trọng như giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể tạo cơ hội để các con tham gia các hoạt động chung như nấu ăn, chơi trò chơi, đi dã ngoại để tăng cường tình cảm gia đình. Ảnh: Freepik.
2. Làm gương: Con cái bắt chước hành vi của cha mẹ. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng vợ chồng bạn không cãi nhau trước mặt trẻ. Thay vào đó, phụ huynh hãy nói chuyện một cách lành mạnh, thảo luận, lắng nghe nhau và đưa ra giải pháp một cách bình tĩnh. Nhìn vào cách tiếp cận của bạn, trẻ cũng sẽ cố gắng giải quyết những khác biệt của chúng theo cách tương tự. Ảnh: Pexels.
3. Dạy trẻ diễn đạt cảm xúc: Giao tiếp hiệu quả là điều cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn giữa anh chị em. Khi trẻ biết cách diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách rõ ràng và lịch sự, chúng sẽ ít có khả năng xảy ra xung đột vật lý hoặc lời nói nặng nề. Ví dụ, khi trẻ khó chịu vì anh chị em làm phiền, bạn hãy dạy trẻ nói chuyện thay vì ném đồ chơi vào đối phương. Ảnh: Freepik.
4. Thiết lập quy tắc: Việc thiết lập những quy tắc rõ ràng và nhất quán là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những xung đột không đáng có giữa anh chị em. Quy tắc không chỉ giúp trẻ hiểu rõ giới hạn của mình mà còn tạo ra một môi trường sống ổn định và có trật tự. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy để trẻ tham gia vào quá trình xây dựng quy tắc. Điều này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và có trách nhiệm hơn với những quy tắc đó. Bạn cũng nên khen ngợi và động viên khi trẻ thực hiện đúng, đồng thời nói rõ hậu quả khi trẻ vi phạm quy tắc. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng hậu quả phù hợp với lứa tuổi và hành vi của trẻ. Ảnh: Freepik.
5. Đối xử bình đẳng, tránh thiên vị: Cảm giác bị đối xử bất công là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa anh chị em. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình được ưu ái hơn, đứa trẻ còn lại sẽ cảm thấy ghen tỵ và tức giận, dẫn đến những cuộc tranh cãi và thậm chí là đánh nhau. Do vậy, cha mẹ cần đảm bảo các con được đối xử công bằng, tránh so sánh trẻ với nhau, đặc biệt là về thành tích học tập, ngoại hình hay khả năng. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương trong gia đình. Sự công bằng giúp xây dựng mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng nhau giữa các anh chị em. Ảnh: Shutterstock.
6. Tạo không gian riêng: Bên cạnh không gian chung để gắn kết, việc tạo ra một không gian riêng cho mỗi trẻ cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu những xung đột không đáng có giữa anh chị em. Khi có không gian riêng, trẻ sẽ ít tranh giành đồ chơi, đồ dùng chung hơn, từ đó giảm thiểu các cuộc cãi vã. Ngoài ra, không gian riêng giúp mỗi trẻ có thể tự do khám phá và phát triển những sở thích cá nhân của mình mà không bị ảnh hưởng bởi người khác. Ảnh: Pexels.